Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai trực tuyến tới hơn 700 đầu cầu trên cả nước, bao gồm tất cả các trạm y tế xã với sự tham gia của khoảng 12.000 đại biểu để thông tin về những thành quả bước đầu triển khai mô hình trạm y tế xã điểm tại 26 trạm.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn 10 năm nữa Việt Nam có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, phủ khắp. Để làm được điều này, ngành y tế phải quyết liệt nhân rộng nhanh mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình”.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được trong thời gian qua không chỉ là để hiện thực hóa Nghị quyết 20, 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, công tác dân số trong tình hình mới, mà còn là yêu cầu cấp thiết của xã hội.
Quyết liệt thực hiện mục tiêu trên, ngành Y tế đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực để bảo đảm các chỉ tiêu đã giao. Năm 2017, Bộ Y tế triển khai thí điểm mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 26 trạm y tế thuộc 8 tỉnh, thành phố.
Các trạm y tế đã được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, đào tạo chuyên môn, bổ sung bác sĩ, danh mục kỹ thuật, thuốc… Đến nay, nhiều trạm y tế xã, phường đã phát huy tốt, thu hút được người bệnh đến khám và điều trị.
Từ kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80 - 90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mãn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh.
“Có ít nhất 30 - 40% bệnh nhân điều trị tại tuyến trung ương có thể điều trị tại tuyến tỉnh, 30 - 40% tuyến tỉnh có thể điều trị tại tuyến huyện và 30 - 40% tuyến huyện có thể được chăm sóc tại tuyến xã. Có bệnh viện tuyến trung ương khám tới 5 - 6 nghìn người/ngày trong khi tuyến xã chỉ khám cho 2 - 3 người/ngày. Vì thế, chúng ta phải tăng cường y tế cơ sở mà mô hình đơn giản nhất là sẵn có TYT xã/phường", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việt Nam được đánh giá sở hữu một hệ thống y tế địa phương bài bản. Với nhiệm vụ trong công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, việc lồng ghép nguyên lý y học gia đình với mô hình bác sĩ gia đình rất thuận lợi để triển khai chăm sóc sức khỏe người dân tuyến đầu.
Kinh nghiệm từ các nước cũng cho thấy, việc liên kết giữa trạm y tế xã và bệnh viện huyện (bác sỹ từ bệnh viện huyện về trạm y tế xã khám) đã đem lại hiệu quả rất cao. Vậy thì không lý do gì các bệnh viện tuyến trung ương phải loay hoay với quá tải…
Từ thực tiễn đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế tuyến trung ương tập trung làm kỹ thuật cao, phải giảm từ khám 5 - 6 nghìn người/ngày xuống dưới 4 nghìn người/ngày. Bên cạnh đó, các sở y tế cần phải đưa nhân lực xuống trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện, chuyển bệnh nhân, thuốc theo danh mục xuống trạm y tế xã, phường.
Bộ trưởng yêu cầu, bên cạnh việc thực hiện tốt những nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính.
Sở y tế sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại trạm y tế xã, làm việc với bảo hiểm xã hội tỉnh để thanh toán. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân, đẩy mạnh tuyên truyền để người hiểu rõ về vai trò của y tế cơ sở…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận về “Cơ chế triển khai thực hiện và kinh nghiệm huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở” của Sở Y tế Vĩnh Phúc; tham luận “Kinh nghiệm triển khai khám, lập hồ sơ sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” của Sở Y tế Hà Tĩnh; tham luận “Kinh nghiệm triển khai xây dựng Đề án và cách thức triển khai thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang…