Giải mã nguyên nhân các dịch bệnh đường hô hấp ở châu Âu đến sớm

Các nhà khoa học cho rằng không chỉ COVID-19 mà những biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch này có thể cản trở sự lưu hành của các loại virus khác và là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát sớm hơn thường lệ các dịch bệnh viêm đường hô hấp ở châu Âu trong mùa Đông này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các nhà khoa học, các biện pháp hạn chế đi lại và tương tác xã hội do ảnh hưởng của COVID-19 trong gần 3 năm qua đã giảm khả năng lây truyền các virus gây bệnh nhiễm trùng hô hấp trong những tháng mùa Đông như virus cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV). Bác sĩ hô hấp và Giáo sư tại Đại học Hoàng gia London, ông Peter Openshaw, cho rằng những biện pháp hạn chế này là một trong những nguyên nhân làm suy giảm khả năng miễn dịch đặc hiệu đối với các virus gây bệnh hô hấp, trong khi phản ứng miễn dịch nói chung ở nhiều người cũng đang suy giảm.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng các hoạt động tụ họp, gặp gỡ dịp lễ hội cuối năm có thể làm gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi. Chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), bà Agoritsa Baka, khuyến nghị mỗi người cần làm xét nghiệm trước khi đến thăm người thân và đeo khẩu trang ở nơi đông người, nhất là trên các phương tiện giao thông công cộng.

Các quan chức y tế cảnh báo "bộ ba" dịch bệnh gồm COVID-19, cúm và RSV trong mùa Đông này đang tạo thêm áp lực cho các dịch vụ chăm sóc y tế vốn đang bị quá tải. Số ca mắc mới COVID-19 đã gia tăng trong những tuần gần đây. Theo ECDC, trong tuần kết thúc vào ngày 18/12, các nước châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng 7% so với tuần trước đó. Trong khi đó, dịch cúm bắt đầu bùng phát vào tuần thứ hai của tháng 11, sớm hơn so với 4 mùa cúm trước đó. Theo bà Baka, mùa cúm 2022-2023 đến sớm hơn thường lệ do hệ miễn dịch của nhiều người suy yếu trong 2 năm trở lại đây, trong khi hoạt động đi lại gia tăng trong những tháng mùa Hè sau khi các biện pháp hạn chế liên quan COVID-19 được dỡ bỏ. Bà cho biết hiện chưa có dữ liệu chứng minh mối liên hệ này, nhưng báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy số bệnh nhân cúm trong mùa cúm 2020-2021 giảm mạnh ở Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu trong bối cảnh nhiều nước áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19.

Trong khi đó, dữ liệu thu thập tại 15 quốc gia châu Âu cho thấy dịch RSV đạt đỉnh vào cuối tháng 11, sớm hơn 2 tháng so với giai đoạn từ 2010-2011 đến 2015-2016, trước khi COVID-19 bùng phát. Bà Baka cảnh báo mặc dù dịch đang dần lắng dịu, nhưng số ca mắc mới có thể tăng đáng kể trong 4-6 tuần tới. Đáng chú ý, ở xứ Wales (Vương quốc Anh), trong tuần kết thúc vào ngày 27/11, tỷ lệ mắc RSV ở trẻ em dưới 5 tuổi là 111,6 ca/100.000 trẻ. Trong mùa dịch RSV 2018-2019 và 2019-2020, tỷ lệ này chưa đến 50/100.000.

Phan An (TTXVN)
Israel coi COVID-19 là bệnh cúm từ ngày 31/1/2023
Israel coi COVID-19 là bệnh cúm từ ngày 31/1/2023

Tại Israel, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát và nước này dự kiến sẽ tuyên bố chính thức kết thúc đại dịch từ ngày 31/1/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN