Trao đổi với báo giới, nhà khoa học James Beck của Quỹ Parkinson, một trong những người tham gia nghiên cứu trên, cho biết các nghiên cứu quy mô nhỏ hơn được thực hiện tại Mỹ vào giữa những năm 1980 ước tính có khoảng 60.000 người được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson mỗi năm tại nước này.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới nhất dựa trên phân tích về hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và tăng trưởng dân số cho thấy con số này có thể lên tới gần 86.000 người vào năm 2020 và tới 90.000 người trong năm nay. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy cứ mỗi 100.000 người trưởng thành tại Mỹ thì có từ 47-77 người trên 45 tuổi mắc Parkinson, và từ 108-112 người từ 65 tuổi trở lên mắc căn bệnh này.
Cũng theo nhà khoa học Beck, một nghiên cứu khác cũng do nhóm của ông tiến hành cho thấy số người sống chung với bệnh Parkinson tại Mỹ là gần 1 triệu người trong khi ước tính trước đây là gần 650.000 người.
Để cập nhật được ước tính số người mắc Parkinson, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Parkinson đã tiến hành phân tích dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu bảo hiểm cũng như các công trình nghiên cứu sức khỏe dài hạn vào năm 2012 đối với hơn 15 triệu người trưởng thành ở Mỹ và tỉnh Ontario của Canada. Theo nhà khoa học Beck, những ước tính cập nhật về tỷ lệ mắc bệnh này là cần thiết để hiểu hơn về nguy cơ mắc bệnh, lập kế hoạch cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giải quyết bất bình đẳng về y tế.
Các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu này sẽ giúp Quỹ Parkinson và các nhóm vận động khác như Quỹ nghiên cứu bệnh Parkinson của nam diễn viên, nhà làm phim Michael J. Fox, người cũng mắc căn bệnh này, được tăng kinh phí tài trợ cho công tác nghiên cứu và tiếp cận chăm sóc căn bệnh này.
Parkinson là một bệnh thần kinh do thoái hóa một nhóm tế bào ở não. Bệnh tiến triển âm thầm với dấu hiệu thường gặp nhất là run tay, ngoài ra còn có những khó khăn trong vận động như tăng trương lực cơ, co cứng, cử động chậm chạp. Nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson chủ yếu ở những người cao tuổi, tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên. Đây là căn bệnh thoái hóa thần kinh nguy hiểm thứ hai bệnh sau bệnh Alzheimer. Bệnh này không thể chữa khỏi và ước tính gây thiệt hại kinh tế khoảng 52 tỷ USD/năm chỉ riêng ở Mỹ.
Theo một nghiên cứu được đăng trên trang khoa học Biospace, thị trường thuốc điều trị bệnh Parkinson trên toàn cầu dự kiến sẽ lên tới 8,4 tỷ USD vào năm 2030, tăng so với 5,5 tỷ USD năm 2021.