Bệnh hiếm gặp nhưng gia tăng gần đây
Có con 3 tuổi vừa được chẩn đoán mắc bệnh Kawashaki, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Q.T. (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Thấy con sốt cao nhiều ngày không khỏi lại nổi ban và đỏ hết miệng, gia đình cho cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám thì được chẩn đoán mắc bệnh Kawashaki. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe nói tới căn bệnh này”.
Chị T. cũng cho biết, khi nghe bác sĩ nói đây là bệnh lạ, hiếm gặp chưa rõ do nguyên nhân khiến gia đình hết sức lo lắng. Rất may con chị mới mắc bệnh ở giai đoạn đầu nên không gặp khó khăn trong điều trị. Tuy nhiên theo lời dặn của bác sĩ, sau khi xuất viện, bé vẫn phải quay lại bệnh viện khám định kỳ để theo dõi có bị ảnh hưởng tới tim hay không, quá trình theo dõi có thể tới vài năm sau đó.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây, bệnh Kawashaki được coi là bệnh lạ, rất hiếm gặp, khó chẩn đoán và dễ biến chứng nặng, dễ gây tử vong. Tuy nhiên thời gian gần đây đã ghi nhận số ca bệnh nhiều hơn, bệnh thường xuất hiện vào khoảng gần cuối năm (tháng 9, 10). Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng các chuyên gia nghĩ nhiều đến các yếu tố nhiễm khuẩn và rối loạn miễn dịch. Hiện cũng chưa có bằng chứng cho thấy bệnh có khả năng lây từ người sang người.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cả năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị gần 30 ca mắc Kawasaki, nhiều ca biến chứng nặng. Đây là bệnh rất nguy hiểm khi dễ biến chứng đến tim; trước đó, Bệnh viện từng tiếp nhận một trường hợp nhập viện do mắc Kawasaki với biểu hiện điển hình, sốt kéo dài hơn 10 ngày, đặc biệt khi siêu âm, các bác sĩ đã phát hiện động mạch vành của trẻ bị phình to và có cục máu đông. Vì không được phát hiện sớm, nhập viện quá muộn nên trẻ đã tử vong vì nhồi máu cơ tim.
Biểu hiện và biến chứng hay gặp ở bệnh là viêm tim, phình giãn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim và suy động mạch vành mãn tính về sau. Nếu không được điều trị, cứ 5 trẻ mắc bệnh Kawasaki sẽ có 1 trẻ bị các tổn thương mạch vành.
Đặc biêt, ở một số trẻ, tổn thương có thể tồn tại cho tới khi trẻ trưởng thành, khiến cho thành động mạch vành trở nên yếu và hình thành túi phình động mạch. Các túi phình động mạch này rất nguy hiểm, chúng có thể cản trở máu chảy tới các cơ tim. Bệnh Kawasaki còn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra bệnh viêm gan, vàng da, men gan tăng, hay viêm màng não …
Cần chú ý các dấu hiệu đặc trưng
BS. Cao Việt Tùng, Khoa Gây mê hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện nay để chẩn đoán bệnh Kawasaki, chưa có xét nghiệm nào đặc hiệu, việc chẩn đoán dựa vào 5 trong số các triệu chứng cơ bản để chẩn đoán bệnh này như: Trẻ sốt trên 5 ngày, có hạch hàm, toàn thân nổi ban, đầu chi phát ban phù nề; mắt viêm kết mạc đỏ, có rỉ mắt nhưng không phải do vi khuẩn, môi đỏ, lưỡi đỏ nổi gồ lên như quả dâu tây…. Hiện nay, với phương pháp siêu âm phát hiện bất thường ở tim cùng với các triệu chứng nhận biết có thể chẩn đoán được bệnh và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.
Các bác sĩ cũng cho biết, Kawasaki thường rầm rộ và đa dạng giống nhiều bệnh khác, đôi khi bệnh tiến triển lâm sàng tự thoái lui nên dễ bỏ sót, không được theo dõi và điều trị. Cũng có những trường hợp vì không có biểu hiện điển hình nên hay bị nhầm với ban dị ứng hay nhiễm khuẩn do liên cầu. Trong khi đó, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, Kawasaki gây nhiều biến chứng nặng.
Đặc biệt, trong một số trường hợp, bệnh nhân mắc Kawasaki có khả năng tự hết sốt khiến nhiều cha mẹ chủ quan. Tuy nhiên, các biến chứng vẫn có thể âm thầm diễn ra, biến chứng giãn mạch vành nếu không điều trị có thể sẽ dẫn đến tử vong vào ngày thứ bảy sau khi mắc bệnh.
Vì vậy các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi thấy trẻ có những triệu chứng đặc trưng nói trên các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm. Nếu được điều trị trong vòng 10 ngày kể từ khi trẻ mắc bệnh thì mới có thể ngừa được các biến chứng có thể xảy ra ở tim, để kéo dài hơn thời gian nói trên sẽ khó ngăn ngừa các biến chứng.