Trước tình trạng này, ngành Y tế tỉnh triển khai nhiều phương án để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát.
Theo đó, các ca bệnh mắc sốt xuất huyết gia tăng mạnh từ tháng 5 đến nay do thời điểm này đang là cao điểm mùa mưa. Chu kỳ dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue khoảng từ 3 - 5 năm sẽ có một năm bùng phát dịch; cụ thể như năm 2016 (13.374 ca) và năm 2019 (11.450 ca). Các năm còn lại cũng có số ca mắc trung bình vào khoảng từ 3.000 - 3.500 ca. Theo chu kỳ trên, khả năng năm 2022, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh sẽ cao, các ca bệnh nặng và tử vong diễn biến hết sức phức tạp.
Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Đinh Hà Nam cho biết, địa phương đã ghi nhận 112 ổ bệnh; trong đó 72 ổ bệnh hết hoạt động, 40 ổ bệnh đang hoạt động. Bệnh sốt xuất huyết có tổng cộng 4 tuýp, địa bàn tỉnh đã có 3 tuýp lưu hành. Đặc biệt, người mắc tuýp này rồi vẫn có thể tiếp tục mắc tuýp khác và tình trạng bệnh cũng nặng hơn. Như vậy, nguy cơ số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng và tử vong trên địa bàn trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp.
Theo ông Đinh Hà Nam, trước diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết, ngành Y tế địa phương đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh, phun hóa chất diệt muỗi tại những vùng có ổ bệnh; tổ chức tốt việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân để giảm thiểu các ca mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Hiện sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại 108/2082 thôn, làng của 16/17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với 308 ca mắc (tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái); có 1 trường hợp tử vong. Các địa phương có số bệnh nhân mắc cao là: Ia Grai, Ia Pa, Chư Prông, Krông Pa, Chư Pưh, Pleiku, Đăk Đoa...
Trung tâm Y tế thành phố Pleiku (từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6) đã tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, ngày cao điểm tiếp nhận hơn 5 trường hợp. Tuy nhiên, số người mắc trên thực tế có thể nhiều hơn bởi ngoài số bệnh nhân đến các cơ sở y tế điều trị còn những trường hợp mắc nhẹ, tự điều trị tại nhà.
Bác sĩ Phan Thanh Phong, Khoa Nội, lây nhiễm và hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế thành phố Pleiku chia sẻ, khoảng 1 tháng trở lại đây, sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện nhiều, ngày đỉnh điểm đơn vị tiếp nhận đến 5 trường hợp cùng nhập viện. Khoa đã tập trung theo dõi, chăm sóc cho bệnh nhân, kịp thời phát hiện các dấu hiệu nặng; từ đó đưa ra hướng điều trị kịp thời, phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Điển hình như bệnh nhân Hải Anh (12 tuổi, trú tại thị trấn Ia Kha, huyện IaGrai) mắc sốt xuất huyết trong tình trạng chuyển biến nặng, đau bụng, nôn ói, huyết áp giảm vừa được chuyển tuyến từ Trung tâm Y tế huyện IaGrai vào Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi Gia Lai. Theo người nhà của bệnh nhân, sau khi thấy Hải Anh có các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, sốt cao, gia đình đã đưa ngay vào Trung tâm Y tế huyện để theo dõi điều trị. Thế nhưng sau khoảng 2 ngày, tình trạng em chuyển nặng và được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu.
Bác sĩ Trần Thế Phương, bác sĩ chuyên khoa I, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết: Hải Anh nhập viện trong giai đoạn ngày thứ 5 của bệnh sốt xuất huyết với biểu hiện sốt cao liên tục kèm nôn ói, đi phân màu nâu đen; đồng thời có hiện tượng xuất huyết tiêu hoá, đau bụng vùng gan, tình trạng mạch rõ nhưng huyết áp giảm. Sau khi nhập viện, các bác sĩ, nhân viên y tế đã tiếp cận, chẩn đoán và đưa ra pháp đồ điều trị phù hợp. Nhờ đó, bệnh nhân đã qua nguy hiểm.
Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người mắc có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách tốt nhất đề phòng bệnh sốt xuất huyết là thực hiện tốt khẩu hiệu "không có nước đọng, không có loăng quăng, bọ gậy", "không có loăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết".