Gia đình đốt củi nấu bánh chưng, bé gái bị bỏng khắp người

Gia đình đốt củi nấu bánh chưng, bé gái chơi gần bếp bị bỏng lửa nặng. Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần đảm bảo một môi trường sống an toàn cho trẻ, bởi đôi khi vô tình khiến trẻ em gặp phải những tai nạn không đáng có.

Chú thích ảnh
Bé gái bị bỏng khắp người do lửa từ bếp luộc bánh chưng bùng lên. Ảnh: BV

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi C.T.P (3 tuổi, người dân tộc Dao, ở Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) bị bỏng do lửa cháy khắp các vùng cổ - ngực – lưng- bụng – tay - chân độ 2-3, diện tích bỏng 17% cơ thể.

Theo lời kể của gia đình, ngày 29 Tết vừa qua, khi gia đình đốt củi nấu bánh chưng, bé gái chơi gần đó nên bị bỏng lửa.

Ngay khi bị bỏng, bé P. được sơ cứu kịp thời tại Trung tâm y tế huyện Bình Liêu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng đau đớn, kích thích, bỏng vị trí cổ, ngực, lưng, cánh tay trái, cẳng tay phải…

Bệnh nhi được chẩn đoán bỏng nước nhiệt độ 2, 3, vết bỏng sâu rộng, trợt da, phỏng nước, dịch thấm băng nhiều các vị trí từ ngực, lưng, cánh tay trái, cẳng tay phải, vùng cổ, vùng đùi… chuyển Khoa Ngoại và Chuyên khoa điều trị.

Các bác sĩ đã tập trung xử trí, cấp cứu, tạo đường truyền bù dịch, giảm đau, chống sốc, cắt lọc các tổ chức da hoại tử do trợt, làm sạch diện bỏng và băng đắp gạc Silverin vết bỏng. Hiện tại, sau hơn 1 tuần điều trị bệnh nhi tạm ổn, tiếp tục được điều trị tích cực tại Khoa Ngoại và Chuyên khoa bệnh viện.

BS. Trịnh Trương Tuyên, Trưởng Khoa Ngoại và Chuyên khoa cho biết: Trường hợp cháu P. bị bỏng rất nặng, diện tích bỏng lớn, nhiều vị trí, thời gian điều trị phải lâu dài, nhiều lần.

Theo đó, hoàn cảnh gia đình bệnh nhi rất khó khăn nên Khoa và Bệnh viện đã hỗ trợ tiền ăn, viện phí cho cả bệnh nhi và người nhà. Tuy nhiên, các chi phí dịch vụ khác như: Các vật liệu đắt tiền cho bỏng nặng ngoài danh mục rất tốn kém, vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ bệnh nhi đã có ý định xin cho con về đắp thuốc lá; các y bác sỹ đã phải động viên gia đình tiếp tục để bệnh nhi ở lại điều trị tại Bệnh viện.

Theo BS. Trịnh Trương Tuyên, nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn vô cùng hy hữu như: Bỏng do ngã vào lửa, nước sôi, uống nhầm dầu hoả, nuốt nhầm đồ chơi, đồng xu... Đa số các trường hợp này đều nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, kích thích, đau đớn. Nhiều trẻ có thể hồi phục nhưng những tổn thương về cơ thể, về tinh thần chắc chắn sẽ còn đeo đẳng và ám ảnh các bé lâu dài.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ huynh cần đảm bảo một môi trường sống an toàn cho trẻ, vì đôi khi sự bất cẩn của người lớn có thể sẽ vô tình khiến trẻ em gặp phải những tai nạn đau đớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Thừa Thiên - Huế: Cấp cứu kịp thời 4 trẻ em bị bỏng do đốt pháo
Thừa Thiên - Huế: Cấp cứu kịp thời 4 trẻ em bị bỏng do đốt pháo

Sáng 5/2, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bốn trẻ nhập viện cấp cứu do nổ pháo không rõ nguồn gốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN