Loay hoay chờ thuốc hiếm
Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh đã có một số trường hợp ngộ độ Botulinum, là dạng ngộ độc rất hiếm xảy ra, thuốc điều trị cho căn bệnh này cũng thuộc diện rất hiếm.
Để có thuốc điều trị cho các bệnh nhân, các cơ sở y tế và Bộ Y tế đã khẩn trương tìm kiếm, kêu gọi để có thuốc, kịp thời cấp cứu người bệnh. Trong thời gian chờ đợi, đã có một bệnh nhân tử vong.
Đến tối 24/5, có 6 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam gửi từ Thụy Sĩ đã về đến TP Hồ Chí Minh. Số thuốc giải này đã được khẩn trương phân phối cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhi đồng 2.
Do thuốc giải không có kịp thời, đã có một trong số các bệnh nhân ngộ độc này tử vong. Theo các bác sĩ, với trường hợp bệnh nhân tử vong, khi thuốc giải BAT do WHO viện trợ khẩn cấp đã về đến Bệnh viện nhưng do đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc nên không thể sử dụng. Hai trường hợp (26 tuổi và 18 tuổi, là anh em ruột) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không được chỉ định sử dụng thuốc BAT do đã quá “thời gian vàng”.
Không chỉ các trường hợp trên thiếu thuốc hiếm điều trị, theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tại đây cũng đang thiếu nhiều loại thuốc hiếm khác trong thời gian dài do không có nhà cung ứng.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đang thiếu một số thuốc như: Thuốc nhỏ mắt Atropin; thuốc uống Acitretin và thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat; thuốc tiêm Mitoxantrone và thuốc tiêm Idarubicin, thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã phải sử dụng phác đồ thay thế. Tuy nhiên, khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân sẽ phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Theo các đơn vị, hiện đối với một số thuốc hiếm hoặc thuốc phát sinh đột xuất trong các trường hợp cấp cứu, nguồn cung ứng thuốc vẫn là vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan.
Tìm giải pháp dự trữ, không lãng phí
Trao đổi về vấn đề nguồn thuốc hiếm đáp ứng điều trị hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Bộ Y tế giao cho các bệnh viện đầu ngành làm đầu mối để tự đề xuất, xây dựng kho thuốc hiếm; Bộ Y tế điều hành chung, và luôn sẵn sàng ủng hộ với thuốc hiếm. Hiện nay, một số thuốc trong điều trị bệnh mới nổi, ngộ độc, ung thư… có nhiều loại các công ty dược mới nghiên cứu, sản xuất ra, có những thuốc đặc hiệu, thuốc thế hệ mới… Nếu có tác dụng tốt với người bệnh Bộ Y tế vẫn ủng hộ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh luôn sẵn sàng”.
Theo đó, trường hợp dự trữ thuốc hiếm và phải huỷ do quá hạn sử dụng sẽ không áp dụng nữa, không còn hình thức đem về kho; mà các đơn vị sẽ xây dựng danh mục và giao các bệnh viện đầu ngành về các chuyên khoa chịu trách nhiệm, khi cần Bộ Y tế sẽ cấp kinh phí để mua.
Việc xây dựng dạng kho sẽ như kho máu sống, không phải có sản phẩm cất sẵn trong kho mà có danh sách các công ty cung ứng, nhập khẩu, cấp visa cho họ; luôn sẵn sàng danh mục, mặt bệnh, các đơn vị đầu mối như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy… chịu trách nhiệm cung ứng, chỉ đạo tuyến, điều hành để cung ứng cho các đơn vị khác khi cần.
Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai thành việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, dự kiến có từ 3 - 6 trung tâm trên cả nước; với số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng từ 15 - 20 loại, trong đó có thuốc điều trị ngộ độc Botulinum".
Cũng theo ông Lê Việt Dũng, Cục Quản lý Dược cũng đang phối hợp với WHO để nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực và các kho của WHO.
Theo đó, hiện căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ, Cục Quản lý dược cũng đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm.