Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Đi vào bản chất vấn đề, vụ ngộ độc xảy ra lần này không phải như những trường hợp ngộ độc tập thể từ các bếp ăn tập thể cho nhiều người như những lần trước đã xảy ra ở các địa phương.
Vụ việc xảy ra ở TP Hồ Chí Minh có điểm chung là các nạn nhân trước đó đều ăn chả lụa. Khi lấy mẫu xét nghiệm, nhưng mẫu này chỉ có tính tương đối. Bởi vì trường hợp 3 em bé ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) khi lấy mẫu chả lụa thì các em đã hết ăn rồi. Khi lấy được mẫu chả lụa của các trường hợp khác, của người đi bán dạo còn thừa và cả cơ sở sản xuất thì đều có kết quả âm tính.
“Nhưng nói thật, với kết quả âm tính, chúng ta cũng không dám loại trừ chả lụa không liên quan gì, mà nếu dương tính tôi cũng không dám khẳng định trăm phần trămtại chả lụa”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho hay.
Theo lý giải của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đặc thù của chả lụa là khi làm phải gia nhiệt rất lâu, luộc rất lâu mới chín, nên tới giai đoạn thành phẩm chắc chắn các bào tử botulinum không thể sống sót được, đã bị triệt tiêu bởi nhiệt.
Nhưng sau đó lại nghi ngờ do hàng trôi nổi, hàng quá date, khi đó các nạn nhân cũng miêu tả chả lụa bị chảy nước, thậm chí cảm thấy có mùi ôi thiu nhưng vẫn ăn. Như vậy, có thể do để lâu, trong quá trình tiếp xúc với nguồn gây ngộ độc, botulinum đã xâm nhập hiện diện ngay trong môi trường chúng ta sống.
“Với tất cả dữ liệu và nghiên cứu, tôi cũng chưa dám khẳng định đâu là nguyên nhân của vụ ngộ độc này”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Quay lại với những trường hợp bị ngộ độc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cái cần quan tâm nhất đó là mối nguy hiểm rình rập ở khắp nơi, nó có thể xảy ra ở TP Hồ Chí Minh và cũng có thể xảy ra ở các địa phương khác. Cho nên cần khuyến cáo người dân tăng cường ăn chín, uống sôi, mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, tránh mua về gói kín rồi để lâu hàng tuần, đó cũng là nguy cơ có vi khuẩn.
“Nhưng quan trọng nhất là khi xảy ra vụ việc phải có thuốc đặc trị để cấp cứu kịp thời. Song, rất tiếc loại thuốc giải độc hiếm này chúng ta không có”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho hay.
May mắn là Bệnh viện Chợ Rẫy đã chủ động liên hệ lấy 2 lọ thuốc giải độc ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Thuốc đó phải được trữ và bảo quản ở -20 độ C, hai lọ thuốc đó được chia cho cả 3 bệnh nhi, một em được truyền một lọ, hai em còn lại mỗi em được truyền nửa lọ. Diễn biến về các bệnh nhân hiện đang điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã khả quan hơn, nhưng những trường hợp khác thì không được may mắn như vậy.
Sau đó, Bộ Y tế và các ngành chức năng vào cuộc, dù chưa đủ dữ liệu nhưng Ban an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh phối hợp với TP Thủ Đức đã đưa ra kết luận: Đây là vụ ngộ độc Botulinum và yêu cầu WHO khẩn cấp viện trợ thuốc.
“Do các bệnh nhân đã qua thời gian vàng khi điều trị và nếu có sẵn thuốc hiếm dự trữ, thì chúng ta đã cứu được bệnh nhân, tôi thấy rất đau buồn chuyện đó”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Trước đây, các bệnh viện thường hay dự trù hàng năm về các loại thuốc hiếm, nhưng khi mua về do thủ tục rất phức tạp, trong đó có việc xin số đăng ký của Bộ Y tế… nên nhiều bệnh viện đã không dự trữ thường xuyên.
Để tránh xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc kể trên khi cần có thuốc hiếm để chữa trị thì phải có chiến lược dự trữ quốc gia về thuốc phòng ngừa ngộ độc Botulinum và một số sản phẩm khác.
“Theo tôi, Bộ Y tế phải là đầu mối, đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng trên cả nước là bao nhiêu để dự trữ trong kho thuốc với điều kiện chuyên biệt. Khi có vụ việc xảy ra, ta sẽ điều chuyển gấp, và phải coi đây là dự trữ quốc gia”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Chính phủ cần có chính sách và chỉ đạo rõ ràng, tránh trường hợp đã xảy ra trong quá khứ, như cúm A, dự trù thuốc tamiflu, dự trù xong, sau đó lại kết luận Bộ Y tế lãng phí vì không sử dụng phải hủy bỏ.
“Vậy nếu lỡ dịch bệnh xảy ra thì sao, cái này mình hết sức lưu ý”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.