Đẩy mạnh ứng dụng y, dược cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì hội thảo Báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng y, dược cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19.

Hội thảo được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố và có sự tham dự của lãnh đạo các Sở Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền, Hội Đông y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực y, dược cổ truyền.

Chú thích ảnh
 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực kết hợp y học hiện đại và học cổ truyền trong điều trị, phòng, chống COVID-19, đồng thời nỗ lực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nghiên cứu bệnh COVID-19. COVID-19 là một bệnh mới, vì vậy trong thời gian qua, đội ngũ y bác sỹ, các nhà nghiên cứu khoa học vừa tìm tòi các biện pháp vừa để điều trị bệnh, vừa để phòng, chống dịch.

Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, từ đó mở ra hướng đi, biện pháp phòng bệnh và chữa bệnh hiệu quả trong mỗi giai đoạn. Việt Nam chủ động sàng lọc để phát hiện các chủng mới khi xuất hiện ở các quốc gia trên thế giới. Trong 2 năm qua xuất hiện tới 5 biến chủng virus, trong đó có tới 4 chủng đã xuất hiện ở Việt Nam. Chủng virus thứ 5 Omicron hiện chưa phát hiện thấy ở Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam cần có những biện pháp phù hợp để ứng phó với dịch COVID-19. 

Bệnh COVID-19 do virus gây ra nên chưa có thuốc Đông y và Tây y điều trị đặc hiệu. Trong thời gian qua, thuốc y học cổ truyền của Việt Nam đã tham gia vào điều trị và kết hợp với y học hiện đại để điều trị có kết quả cụ thể đối với nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19.

Đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền của Bộ Công an đã có báo cáo chi tiết, cụ thể về quá trình sử dụng thuốc y học cổ truyền tham gia và điều trị COVID-19 có hiệu quả. Đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, bằng kinh nghiệm thực tiễn, các bác sỹ tại bệnh viện đã và đang điều trị cho những trường hợp F0 và đặc biệt các trường hợp phục hồi sau bị bệnh COVID-19 bằng y dược cổ truyền.

Các phương pháp điều trị kết hợp thuốc đông dược, với các phương pháp không dùng thuốc (xoa ấn huyệt, châm cứu, cấy chỉ,…), chế độ ăn uống (thực dưỡng) cùng các phương pháp tập luyện để hỗ trợ điều trị phục hồi cho các bệnh nhân sau mắc COVID-19. Quá trình hồi phục của bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ mắc bệnh trước đó. Người sau mắc COVID-19 thể nhẹ, không có triệu chứng có thể hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày. 

Các đại biểu đã thảo luận về vấn đề hoàn thiện thể chế liên quan đến dùng thuốc y học cổ truyền trong điều trị COVID-19 chưa nhiều và chưa đầy đủ, cần có những văn bản có tính pháp lý cao hơn, cụ thể hơn đối với việc triển khai ứng dụng y, dược học cổ truyền phòng, chống COVID-19.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thông báo 226 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ việc Thủ tướng yêu cầu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị COVID-19. Bộ Y tế ban hành quyết định 4539/QĐ-BYT ngày 25/9/2021 về hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền trong phòng, điều trị COVID-19, đồng thời có công văn chỉ đạo Sở y tế tại 63 tỉnh thành triển khai.

"Như vậy, bước đầu chúng ta có căn cứ để các Sở y tế, các bệnh viện trong cả nước triển khai việc ứng dụng y, dược cổ truyền điều trị, phòng, chống dịch COVID-19. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cần tổng hợp ý kiến đề xuất từ các cơ sở y, dược cổ truyền và các cơ quan có liên quan (như Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Bộ Tư Pháp…) đề xuất được cơ chế, thể chế làm căn cứ để Bộ Y tế ban hành văn bản hoặc tham mưu trình Thủ tướng ban hành văn bản",Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề cập đến việc tổ chức các hội thảo chuyên đề về văn bản, thể chế liên quan đến y học cổ truyền trong điều trị COVID-19, tập trung vào việc đưa ra được các tiêu chí, tiêu chuẩn, cấp phép hoạt động trong điều kiện khẩn cấp, vấn đề về củng cố cơ cấu cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn đảm nhiệm nhiệm vụ về y học cổ truyền; hoàn thiện các bài thuốc chuyên môn có tính pháp lý để được đưa vào điều trị rộng rãi trong người dân, đưa vào túi thuốc an sinh, phát đồ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, qua mỗi đợt điều trị y học cổ truyền, các đơn vị cần làm tốt công tác báo cáo đánh giá những bài thuốc hay, phương thức điều trị hiệu quả và gửi đến Bộ Y tế. Cục Y, Dược cổ truyền phải chịu trách nhiệm thẩm định những ý kiến này, báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế.

Đồng thời, để có cở sở ứng dụng y, dược cổ truyền vào phòng, chống COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cục Y, Dược cổ truyền phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và các đơn vị liên quan xây dựng đề cương nghiên cứu, đưa ra các minh chứng, số liệu cụ thể, trình bộ Y tế phê duyệt khẩn trong điều kiện chống dịch như chống giặc.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi bệnh nhân đang điều trị ở nhà, đồng thời sử dụng truyền thông hiệu quả trong việc tuyên truyền về vận dụng y học cổ truyền trong điều trị COVID-19, tuyên truyền về những bài thuốc đã được tổng hợp có tác dụng phòng, chống COVID-19 để người dân hiểu và sẵn sàng áp dụng, sử dụng. Cục Y, Dược cổ truyền cần tổ chức tập huấn, cập nhật các bài thuốc hay cổ truyền để cán bộ y tế, người dân biết và sử dụng để phòng, chống COVID-19.

Ngọc Bích (TTXVN)
Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương
Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương

Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương đang triển khai Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN