Xoay quanh dự án Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sắp được Quốc hội thông qua, ngày 15/11, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức tọa đàm Đối thoại Chính sách với chủ đề: “Mua bán thuốc online - Nên hay không?”, với sự tham gia của Đại biểu Quốc hội, chuyên gia về quản lý thị trường, công nghệ để góp thêm tiếng nói, đưa Luật đến gần hơn với cuộc sống.
Theo các chuyên gia, quy định về mua bán thuốc online là một trong những điểm mới của dự án Luật Dược (sửa đổi) đang trình Quốc hội. Trước thực trạng việc mua bán thuốc online đã và đang diễn ra phổ biến, trở thành xu thế tất yếu; để hoạt này đáp ứng nhu cầu của người dân, vấn đề đặt ra là làm sao để đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật.
Các nước trên thế giới và trong khu vực đã và đang triển khai hình thức bán thuốc online từ nhiều năm qua. Ở Việt Nam, hình thức bán thuốc online bắt đầu có từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển mạnh.
Theo ước tính, thị trường thuốc online Việt Nam tới năm 2024 đạt khoảng 5% - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Vì vậy, có thể thấy, việc mua thuốc kê đơn trực tuyến rất hữu ích và nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng.
Trao đổi tại tọa đàm, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Qua thăm dò ý kiến người dân bằng khảo sát trên các phương tiện truyền thông cho thấy, đa số người dân đều đồng tình với việc mua thuốc online. Đây là xu hướng tất yếu. Việc mua bán thuốc online đã diễn ra rất phổ biến, các sở y tế cũng hỗ trợ cùng các sàn thương mại điện tử để kiểm soát việc này. Thuốc là mặt hàng đặc biệt, vì vậy quản lý chất lượng và quản lý việc mua bán để đảm bảo an toàn cho người sử dụng là hết sức quan trọng. Việc đưa nội dung mua bán online vào Luật Dược sửa đổi đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tế hiện nay”.
Về việc còn nhiều băn khoăn với quy định bán thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng: “Dự thảo Luật sửa đổi lần này của Luật dược đã quy định việc bán lẻ trên sàn thương mại điện tử chỉ có thuốc không kê đơn, còn thuốc bán buôn mới được áp dụng với cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, nguyên liệu làm thuốc. Như vậy, trên sàn thương mại điện tử sẽ có hai hình thức kinh doanh thuốc bán lẻ và bán buôn. Thuốc được bán lẻ là thuốc bán trực tiếp cho người tiêu dùng; thuốc bán buôn là thuốc được bán cho cơ sở kinh doanh hợp pháp để kinh doanh dược phẩm. Dự thảo Luật đang quy định hình thức bán thuốc cho người tiêu dùng chỉ có thuốc không kê đơn”.
Bộ Y tế đã ban hành danh mục thuốc kê đơn và không kê đơn; trong đó có tới hơn 80% là thuốc phải kê đơn. Số lượng các thuốc kê đơn rất lớn, nên nếu không quy định chặt chẽ sẽ có nhiều khó khăn khi người dân mong muốn mua được thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để khi liên thông hệ thống kê đơn thuốc điện tử quốc gia sẽ không làm bó hẹp khả năng tiếp cận thuốc của người dân.
Về vấn đề này, ông Vũ Thái Hà, Giám đốc Vận hành eDoctor, Thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) cũng cho rằng, việc kinh doanh thuốc online cũng là đồng bộ với việc ứng dụng công nghệ trong y tế, nhất là khám chữa bệnh từ xa. Người bệnh không thể đang “online” khi khám bệnh lại “offline” để mua thuốc. Xét về góc nhìn ứng dụng công nghệ, ngay cả thuốc kê đơn cũng cần từng bước được cho phép kinh doanh trực tuyến; hình thức cũng liên quan đến việc khám, chữa bệnh từ xa theo các mặt bệnh đã có thể triển khai khám, chữa bệnh từ xa.
Theo các chuyên gia, nếu việc bán thuốc kê đơn qua mạng được quản lý chặt chẽ, có thể giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng từ các nguồn đáng tin cậy. Người dùng cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua. Tuy vậy, cần phân biệt rõ ràng giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động Livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc Luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay, tránh tình trạng bán “chui”, khó nắm bắt, khó phát hiện.