Cụ thể, ngày 8/7, ngành Y tế Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành phun hóa chất diệt khuẩn tại nhà ca bệnh và các hộ lân cận, xử lý môi trường toàn bộ khu vực buôn Diêo; khoanh vùng cách ly, lập 3 chốt chặn kiểm soát, hạn chế người dân đi vào vùng có dịch. Đồng thời, ngành tiến hành điều tra lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh và những trường hợp có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp; tổ chức cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng cho toàn bộ người dân trong buôn; tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại trường học và cộng đồng. Trong thời gian tới, ngành Y tế lập kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân trong buôn Diêo.
Theo ông Tô Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lắk, sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh bạch hầu của huyện, đồng thời có văn bản triển khai cho các xã, thị trấn chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh.Huyện phối hợp với ngành Y tế tổ chức khoanh vùng, không để dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó nâng cao ý thức phòng bệnh.
Đối với buôn Diêo – nơi xuất hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk, huyện sẽ tăng cường lực lượng làm tốt công tác khoanh vùng cách ly và đảm bảo nhu yếu phẩm, lương thực cho người dân trong thời gian cách ly để ổn định đời sống nhân dân.
Hiện dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Cùng với xử lý ổ dịch tại huyện Lắk, ngành Y tế Đắk Lắk còn triển khai đồng loạt các giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành Y tế tăng cường giám sát không chỉ ở những xã có ca bệnh, mà đặc biệt chú ý những vùng có nguy cơ cao. Đó là những “vùng lõm” trong tiêm chủng, những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, khó vận động đi tiêm chủng.
Để chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc và tử vong, Sở Y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng phương án tổ chức phân luồng, khám sàng lọc các trường hợp có triệu chứng viêm họng cấp, đến khám và điều trị tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, kịp thời xử lý ổ bệnh đúng quy định nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Trước đó, chiều 7/7, huyện Lắk ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên là bệnh nhân là H.B.J (nữ, sinh năm 1968, trú tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk). Bệnh khởi phát ngày 4/7 với các triệu chứng sốt, đau họng, nuốt khó. Ngày 6/7, bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Lắk và được lấy mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu. Ngày 7/7, kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu.