Công tác quản lý, sử dụng thuốc tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại nhiều bất cập

Mặc dù cơ bản cung ứng thuốc đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân, song công tác quản lý, sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Trong đó, nổi cộm là việc số lượng nhà thuốc tư nhân phát triển quá nhanh, các hoạt động kinh doanh thuốc trên nền tảng mạng xã hội vẫn chưa thể kiểm soát, quản lý. Đây là nhận định được đưa ra tại Phiên giải trình công tác quản lý, sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược trên địa bàn do Thường trực HĐND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 14/6.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Phiên giải trình. 

Tại phiên giải trình, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố hiện có 10 bệnh viện đa khoa; 22 bệnh viện chuyên khoa; 12 bệnh viện bộ/ngành; 19 bệnh viện quận huyện, thành phố Thủ Đức; 67 bệnh viện tư nhân; 310 trạm y tế, 8.044 phòng khám tư nhân và 39 trạm cấp cứu vệ tinh...

Về hệ thống sản xuất, phân phối thuốc, có 43 nhà máy sản xuất thuốc; 1.512 doanh nghiệp, cơ sở bán buôn, nguyên liệu thuốc; 16 cơ sở dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; 8.387 nhà thuốc; 357 cơ sở bán lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu… bao phủ rộng khắp các địa bàn của Thành phố. Việc tiếp cận thuốc của người dân được đảm bảo trong những năm qua. Vì sản lượng thuốc tiêu thụ tại Thành phố lớn, chiếm từ 25%-30% của cả nước nên công tác cung ứng nhằm bảo đảm nhu cầu thuốc cho điều trị là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành Dược thành phố.

Mặc dù đối mặt nguy cơ thiếu hụt thuốc do gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc, song Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân với chất lượng và giá cả phù hợp. Hiện, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Thành phố đạt trên 50%. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dược lâm sàng ngày càng được chú trọng, nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh ngày càng hiệu quả; hệ thống phân phối thuốc ngày càng đa dạng và rộng khắp.

Tại phiên giải trình, các đại biểu chất vấn về công tác quản lý nhà thuốc tư nhân. Qua thực tế giám sát, các đại biểu nhận thấy, việc các nhà thuốc tư nhân phát triển quá nhanh gây ra những lo ngại trong công tác quản lý. Cụ thể như việc bán thuốc không có đơn chỉ định của bác sĩ, bán thuốc và thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt; tình trạng dược sĩ phụ trách chuyên môn không có mặt ở nhà thuốc. Bên cạnh đó, công tác quản lý dược liệu và thuốc đông y, quản lý hoạt động tại chợ thuốc Quận 10, phố đông y, việc quy hoạch khu công nghiệp y - dược của Thành phố… cũng được các đại biểu bàn luận.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược trên địa bàn thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, việc xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu đối với các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn chưa thống nhất, chưa có sự kết nối giữa sở, ngành và địa phương; công tác hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thuốc đông y chưa được quan tâm đầy đủ; việc xây dựng và phát triển các tuyến phố đông y gắn với phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý đơn thuốc bán lẻ tại hệ thống các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thuốc nhằm theo dõi việc sử dụng thuốc của người dân chưa hiệu quả. Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc tại một số đơn vị còn khó khăn. Danh mục thuốc tại các trạm y tế chưa đáp ứng nhu cầu của người dân…

Bên cạnh đó, việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội hiện nay còn tràn lan, sai sự thật; thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn lưu hành trên thị trường. Nhiều cơ sở kinh doanh dược bán thuốc, dược liệu không có hóa đơn, chứng từ, không có hạn sử dụng…

Để kịp thời khắc phục và tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược trên địa bàn thời gian tới, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố đánh giá, tổng hợp đầy đủ các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật; rà soát, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo; cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được quy định trong pháp luật.

Song song đó, tập trung giải pháp, nguồn lực thực hiện có hiệu quả Đề án “phát triển công nghiệp dược Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo từng giai đoạn lộ trình cụ thể. Chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tốt với các địa phương khắc phục hiệu quả những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố thời gian qua.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Thêm gần 700 loại thuốc trong nước được cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành
Thêm gần 700 loại thuốc trong nước được cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành

Gần 700 loại thuốc sản xuất trong nước phục vụ nhu cầu mua sắm, đấu thầu thuốc cho điều trị, phòng, chống dịch vừa được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế công bố cấp mới và gia hạn giấy đăng ký lưu hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN