Bác sĩ không chỉ cầm ống nghe
Hẹn mãi tôi mới tranh thủ gặp được bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Xanh Pôn) sau một ngày làm việc bận rộn của anh. Người bác sĩ khá “phiêu” với mái tóc để dài và phong cách nghệ sĩ, vui tính khiến người đối diện có cảm giác thoải mái, vui vẻ, gần gũi. Hơn một tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện, bác sĩ Trần Văn Phúc đã giúp tôi mở mang thêm rất nhiều kiến thức và hơn thế là thêm khâm phục một người bác sĩ với học vấn sâu rộng, có tâm và luôn nỗ lực vì người bệnh.
Trang facebook “BS. TRẦN VĂN PHÚC” với hàng chục ngàn lượt theo dõi những ngày gần đây liên tục “nóng” lên. Những bài viết về dịch COVID-19 với những nhìn nhận về tình hình dịch, hướng dẫn người dân ứng phó, phòng bệnh dưới góc nhìn y khoa đã giúp người đọc dễ tiếp cận, dễ hiểu, thu hút hàng nghìn lượt like, chia sẻ, tương tác.
Nhiều năm nay, với mong muốn đưa kiến thức về sức khoẻ tới người dân một cách hiệu quả, BS. Trần Văn Phúc đã chọn mạng xã hội như một kênh riêng dễ tiếp cận. Không chỉ những bệnh nhân mà bất cứ người dân nào cũng có thể theo dõi, tương tác với anh qua "kênh" này. Công việc chẳng có chút “thù lao”, thậm chí còn lấy đi khá nhiều thời gian quý báu nhưng bao năm qua anh vẫn miệt mài viết, đăng bài như một công việc cần làm của người bác sĩ.
BS. Trần Văn Phúc chia sẻ: “Với tôi, nhiệm vụ của người bác sĩ không chỉ là việc cầm ống nghe đi quanh 4 bức tường bệnh viện và đặt lên ngực bệnh nhân để khám và kê đơn; đó mới chỉ là công việc rất nhỏ. Nhiệm vụ của người bác sĩ còn phải là ra khỏi bệnh viện để mang kiến thức y học đến với cộng đồng, giáo dục cộng đồng để ai cũng có sức khoẻ tốt nhất. Khi đó, người bác sĩ có thể làm được việc ngăn chặn bệnh tật từ xa, không phải trả giá đắt là sức khoẻ, tính mạng của người bệnh. Vì vậy, dù luôn bận rộn với công việc việc khám, chữa bệnh nhưng tôi luôn cố gắng dành thời gian để viết những bài chia sẻ về kiến thức y khoa trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông; quan trọng nhất là có thể trình bày dưới dạng dễ hiểu nhất. Bởi ngôn ngữ y khoa khá đặc thù, bác sĩ viết ra cũng cần chọn ngôn ngữ tường minh nhất, sát nghĩa nhất để đông đảo người dân dễ dàng đọc và hiểu”.
Ngay từ khoảng năm 2000, khi mạng xã hội vào Việt Nam, BS. Phúc đã có những bài báo y khoa trên blog. Bất ngờ vì ngay từ đầu đã có rất đông lượng người theo dõi. Trên đà đó, BS. Trần Văn Phúc đã lựa chọn mạng xã hội làm kênh truyền tải. Sau này, khi facebook xuất hiện, anh tiếp tục xây dựng trang riêng của mình và cũng nhận được hàng chục ngàn lượt theo dõi.
“Khi đó tôi nhận thấy rằng nếu viết đơn giản quá thì mới chỉ giải quyết được tính tò mò của người dân, quan trọng nhất là phải cung cấp những kiến thức y khoa cho cộng đồng, giúp họ hiểu sâu về bệnh, các tình huống y khoa…. Vì vậy tôi chuyển sang viết dài, thậm chí có những bài rất dài tới vài ngàn từ; đưa các kiến thức tương đối sâu và diễn giải cụ thể. Rất vui là lượng người đón nhận, tương tác vẫn rất đông”, BS. Phúc vui vẻ.
Từ khi “nổi tiếng”, BS. Phúc cũng bận rộn hơn với những thắc mắc, nhờ tư vấn sức khoẻ từ người bệnh qua facebook, email hay thậm chí người bệnh tìm đến gặp trực tiếp … Lượng thời gian không nhiều, rất khó để giải đáp hết tất cả cho người dân nhưng bác sĩ luôn cố gắng tìm cách trả lời được nhiều nhất, hiệu quả, nhanh nhất có thể.
BS. Phúc cho biết: “Có rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, tôi thường xuyên phải trợ giúp, tư vấn. Thậm chí phải thành lập các nhóm riêng tới hàng trăm bệnh nhân để giải đáp hoặc chọn cách trả lời trên mạng để mọi người tiện theo dõi. Khi tiếp cận với bệnh nhân mới biết họ chưa có nhiều kiến thức về bệnh tật và cũng nhiều bệnh nhân vì vậy mà trở nên tuyệt vọng. Tôi phải “vực” họ dậy bằng cả tâm lý lẫn tìm phương án điều trị”.
BS. Phúc vẫn còn nhớ mãi một bệnh nhân của mình, cách đây ít lâu. Đó là một nhân viên y tế bị mắc ung thư dạ dày đã di căn vào tim và phổi. Trong lúc tuyệt vọng và cần trợ giúp, vốn đã theo dõi trang facebook của BS. Phúc từ lâu, ngày 27 Tết âm lịch, chị tìm đến anh khi đã bị tràn dịch màng phổi 2 bên, không thở được và rất đau đớn.
“Khi đến gặp tôi, lúc đó bệnh nhân đã xác định là chết, không còn cách nào khác. Chị nói rằng muốn tôi chỉ cho chị làm cách nào để chỉ cần sống qua được vài ngày tới cho gia đình được đón cái Tết trọn vẹn là đủ. Nhìn chị tuyệt vọng tôi khuyên chị: Thay vì nghĩ rằng chỉ sống được qua cái Tết, chị hãy vượt qua khó khăn này bằng cách tin tưởng và tôi sẽ giúp chị. Lúc đó tôi phải chọn điều trị cắt cơn đau cho bệnh nhân để cắt được vòng xoắn bệnh lý và động viên chị cố gắng vui vẻ sống, ăn uống, điều trị … Tôi cũng khuyên chị nên dành những ngày cuối cùng của cuộc đời sẽ theo đuổi những đam mê, niềm vui để được cảm thấy thoải mái. Rất mừng là khi áp dụng cách đó, chị đã sống thêm được một năm rưỡi nữa trong tình trạng khá khoẻ mạnh, vui vẻ. Thậm chí chị đã học đàn piano như mơ ước. Những ngày cuối đời chị còn nhắn tin mời tôi đến nhà để chơi đàn cho bác sĩ nghe trước khi ra đi trong tâm thế thanh thản, không có chút suy nghĩ tiêu cực. Đây cũng là một niềm nuối tiếc của tôi vì khi nhận được tin nhắn của chị tôi đang ở Thuỵ Điển, chồng chị nói rằng chị có gửi lời chào tôi trước khi nhắm mắt và rất tiếc vì không chơi đàn được cho tôi nghe”.
Những câu chuyện xúc động, tình cảm ấy từ những người được giúp đỡ đã trở thành động lực mỗi ngày để bác sĩ cố gắng, nỗ lực hơn, không chỉ trong điều trị mà còn trong công việc chia sẻ, kết nối.
Ths.BS Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) là một “bác sĩ đẹp trai” như cư dân mạng vẫn gọi anh thân mật. Mỗi ngày, anh đưa lên trang facebook cá nhân những cảnh báo thông qua công việc, kinh nghiệm của một bác sĩ ngoại khoa.
Với hàng trăm ngàn lượt theo dõi trên trang cá nhân, mỗi bài viết của BS. Khánh đăng lên luôn thu thút sự theo dõi của cộng đồng mạng. Người dân khâm phục anh không chỉ bởi khả năng điều trị, cái tâm với người bệnh mà là những cảnh báo, những kinh nghiệm rút ra sau mỗi ca bệnh để cộng đồng nhận biết và phòng tránh.
BS. Trần Quốc Khánh chia sẻ: “ Công việc của một phẫu thuật viên, một bác sĩ ngoại khoa có rất nhiều áp lực. Đặc biệt là áp lực về tâm lý, áp lực bởi sự kỳ vọng của bệnh nhân. Chúng tôi luôn phải trăn trở về những quyết định điều trị trong giây lát của là mình đúng hay sai. Bên cạnh đó là việc chúng tôi không làm chủ được thời gian của chính mình. Có những đêm trực với hàng trăm ca nhập viện, chúng tôi phải trắng đêm trong phòng mổ, gần như kiệt sức vào ngày hôm sau. Tuy vậy mỗi ca bệnh với tôi lại là một bài học và dù bận rộn, tôi luôn muốn truyền đạt ngay những gì rút ra được để phổ biến tới người dân biết và phòng tránh”.
Có lẽ vì vậy, mà mỗi bài viết trên trang cá nhân của BS. Khánh luôn đầy những trăn trở khi gặp ca bệnh khó hoặc chia sẻ niềm vui khi điều trị thành công cho người bệnh. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là những dòng bác sĩ chia sẻ về kiến thức phòng bệnh, xử trí khi có các dấu hiệu nguy hiểm hoặc cảnh báo những mặt bệnh mới…
“Hiện nay, người dân hầu như chưa biết nhiều về sức khoẻ thường thức, về các phương pháp ăn uống, sinh hoạt khoa học; nhất là việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ, cách sơ cứu ban đầu với các bệnh. Trong khi những kiến thức này, ở các nước phát triển được vô cùng coi trọng, bởi đó còn là kỹ năng sống. Bác sĩ là người giải quyết khâu cuối cùng của bệnh tật. Việc nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ, kiến thức y học thường thức cho người dân là việc làm vô cùng quan trọng, cũng chính là giảm áp lực cho các bác sĩ. Đó cũng là lý do tôi thường xuyên đăng thông tin lên mạng. Có bài tôi chỉ viết trong khoảng một giờ đồng hồ nhưng có tới cả ngàn lượt share và chục ngàn lượt tiếp cận, tôi rất mừng vì những bài viết đó có thể giúp cứu sống bao nhiêu người và để người dân biết, hiểu, có kiến thức về chăm sóc sức khoẻ mỗi ngày”, BS. Khánh chia sẻ.
Trách nhiệm hơn khi nổi tiếng trên mạng
Với BS. Trần Văn Phúc, người bác sĩ cần phải hội tụ kiến thức khoa học tự nhiên, bao trùm bởi kiến thức xã hội và nghệ thuật ứng xử với cuộc sống. Bởi vậy khi tham gia mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội để truyền thông, bác sĩ phải luôn có trách nhiệm với những kiến thức, định hướng thông tin của mình. Đặc biệt, trước lượng thông tin trên mạng rất lớn, thậm chí có thể gây hại cho sức khoẻ của người dân như: nhiều người tự truyền tai nhau những cách chữa bệnh không chính thống, thậm chí sai và vì mục đích nào đó, các trào lưu anti vắc xin, các quan điểm phi khoa học…, các bác sĩ cũng phải tham gia rất nhiều vào công việc này để ngăn chặn.
“Những quan điểm, tin đồn sai trái, thông tin thất thiệt cũng là những “con virus” rất độc lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt thậm chí còn nhanh hơn cả virus gây dịch bệnh. Nếu không ngăn chặn thì các thông tin này sẽ gây ra tâm lý chết vì sợ, hoặc nhiều người làm theo sai dẫn đến hậu quả khôn lường, đánh đổi cả tính mạng”, BS. Phúc chia sẻ.
Cũng theo BS. Phúc, trong những tình huống đó, một người bác sĩ không chỉ hoạt động chuyên môn mà còn phải là người có kiến thức để định hướng cho người dân đó là đưa ra những bằng chứng xác thực để chứng minh những luồng thông tin sai trái. Đơn cử như trước những thông tin sai về dịch COVID-19 khiến người dân hoang mang, bác sĩ Phúc đã phải viết nhiều bài từ những kiến thức bằng các nguồn chính thống để định hướng, giúp người dân có thêm kiến thức, hiểu để tránh gây hoạ cho cả bản thân và cộng đồng. Những bài viết đó đã có lượng tương tác rất lớn.
Bởi vậy, với một bác sĩ nổi tiếng trên mạng, ngoài việc luôn cố gắng hoàn thành công việc, việc hoàn thiện bản thân, kiến thức sâu rộng và sự khéo léo, vui vẻ cũng là những điều khiến nhiều người yêu mến các bác sĩ- facebooker, tạo nên cho họ những “thương hiệu” riêng. Nhiều người còn yêu mến gọi họ là những "Bác sĩ quốc dân” trên mạng vì sự cống hiến ấy.
“Với quỹ thời gian rất hạn hẹp, sức mạnh giúp chúng tôi không stress khi làm nhiều việc một lúc là mỗi người đã phải có niềm đam mê với nghề. Trong nghề y, người bác sĩ phải yêu nghề trước, yêu thương người khác, phải đau nỗi đau cùng người bệnh và chia sẻ tích cực thì mới có thể theo nghề một cách trọn vẹn. Bởi vậy việc tham gia mạng xã hội với các bác sĩ là mong muốn mang tới những điều tốt đẹp nhất, xây dựng một cộng đồng khoẻ mạnh”, BS. Trần Quốc Khánh chia sẻ.