Cảnh báo nguy cơ bỏng nặng do nước tẩy rửa nhà vệ sinh

Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Thẩm mỹ tạo hình, Bệnh viện Trưng Vương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp bỏng nặng vùng cổ, mặt do dung dịch tẩy rửa nhà vệ sinh.

Cụ thể, bệnh nhân Phạm Văn H., 31 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh được gia đình đưa vào Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu với nhiều vết bỏng ở vùng cổ, mặt và tay.

Theo lời kể của bệnh nhân H., ngày 2/10, trong lúc đổ dung dịch tẩy rửa bồn cầu để kỳ cọ nhà vệ sinh, bất ngờ hóa chất tẩy rửa bắn vào mặt, cổ anh. Ngay lúc đó, anh cảm thấy đau rát vùng cổ, mặt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tại đây, các bác sỹ cho biết, anh H. bị bỏng nặng ở vùng cổ, mặt với vết bỏng khoảng 100 cm2, chưa kể phần tay cũng bị bỏng nhẹ do nước tẩy rửa bắn vào. Sau khi điều trị vết bỏng, bệnh nhân sẽ phải cắt lọc phần da thịt đã bị hoại tử và có thể phải ghép da.

“Bản chất của các loại dung dịch tẩy rửa nhà vệ sinh chủ yếu là kiềm (xút), khi bắn vào da, kiềm sẽ hủy hoại các mô và thấm từ từ ra các vùng xung quanh, do đó vết bỏng sẽ tiếp tục lan ra, ăn sâu vào cơ thể. Bỏng nước tẩy rửa bồn cầu còn nguy hiểm hơn bỏng do a-xit”, bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh nhận định.

Cũng theo bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh, rất may trường hợp bệnh nhân Phạm Văn H. chỉ bị dung dịch tẩy rửa bắn vào da, nếu bắn vào mắt có thể làm bỏng giác mạc, gây mù mắt.

Trước đó, vào tháng 5/2017, Bệnh viện Trưng Vương đã tiếp nhận một bệnh nhân cũng bị nước tẩy rửa bồn cầu bắn vào 2 bắp chân. Tuy nhiên, do vết bỏng không quá lớn nên bệnh nhân chủ quan không điều trị đầy đủ. Sau 10 ngày, vết bỏng ngày càng ăn sâu khiến bệnh nhân không thể đi lại được nên mới chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị.


Bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh khuyến cáo, khi bị bỏng hóa chất, khâu sơ cứu ban đầu rất quan trọng, quyết định đến mức độ của vết bỏng. Trước hết, cần liên tục rửa bằng nước lạnh để hóa chất bị pha loãng, không tiếp tục ăn sâu và lan sang các phần mô khác. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để chườm, rửa do có thể gây ra phản ứng hóa học với hóa chất khiến tình trạng bỏng càng nặng hơn.

Với những hóa chất có chất tẩy mạnh như hóa chất dùng để thông cống, thông bồn cầu mức độ sát thương sẽ cao hơn, do đó khi sử dụng hóa chất cần đeo găng tay, giầy bảo hộ, pha loãng dung dịch tẩy rửa trước, không được đổ trực tiếp hóa chất vào nước, tránh trường hợp gây phản ứng hóa học khiến hóa chất bắn ngược vào người.

Đinh Hằng (TTXVN)
Quảng Ninh: 6 nạn nhân bỏng nặng chưa rõ nguyên nhân
Quảng Ninh: 6 nạn nhân bỏng nặng chưa rõ nguyên nhân

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển tại Quảng Ninh đã tiếp nhận 6 bệnh nhân bị bỏng nặng được đưa tới cấp cứu bằng ô tô từ thành phố Hạ Long vào ngày 15/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN