Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về tác động của tình trạng thiếu sắt trong 4 tuần đầu đời đối với sự phát triển não bộ của lợn, tương đương với 4 tháng đầu đời ở trẻ sơ sinh bởi lợn là loài có giải phẫu não bộ giống với con người.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện ở Kabul, Afghanistan ngày 26/12/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cụ thể, bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ và một số kỹ thuật không can thiệp dao kéo khác, nhóm nghiên cứu đã xác định hàm lượng sắt, khối lượng và tình trạng phát triển của các vùng trên não lợn con trong các giai đoạn 4 tuần sau khi sinh và 8 tuần sau khi sinh.
Kết quả cho thấy, sự phát triển não bộ ở nhóm lợn con có chế độ dinh dưỡng không đủ sắt trong 4 tuần đầu đời không hoàn thiện như nhóm được bổ sung đầy đủ. Trong 4 tuần tiếp theo, kể cả khi được bổ sung đầy đủ sắt thì quá trình phát triển não bộ của nhóm này vẫn không thể hồi phục như nhóm còn lại.
Một số vùng trong não, trong đó có khu vực đồi hải mã trái, vùng chủ yếu chịu trách nhiệm về trí nhớ và khả năng học tập, bị thiếu chất dinh dưỡng này và vĩnh viễn không thể hồi phục đầy đủ hàm lượng sắt cần thiết.
Cũng theo nghiên cứu trên, cấu trúc chất xám và chất trắng tại một số khu vực trong não của nhóm lợn thiếu sắt đã có những khiếm khuyết so với nhóm lợn được bổ sung đầy đủ sắt, duy chỉ có hành khứu giác là phát triển hơn so với nhóm còn lại. Ngoài ra, hành khứu giác trong não của những con lợn bị thiếu sắt cũng có hàm lượng sắt lớn hơn so với những con lợn có đủ chất dinh dưỡng này.
Nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng có một cơ chế bổ sung sắt trong não lợn, theo đó các vùng có nhiều sắt trong não sẽ dồn chất dinh dưỡng này cho hành khứu giác giúp cho những con lợn có thể dũi đất để bổ sung chất sắt. Tuy chưa được chứng minh, nhưng điều này cũng khiến các nhà khoa học lập tức liên tưởng tới nhiều trường hợp người thiếu sắt có thể thích ăn những vật chất kỳ lạ như ăn bụi.
Những nghiên cứu ở người từng chỉ ra thiếu sắt trong giai đoạn đầu đời có thể khiến quá trình phát triển các chi vận động chậm hơn 10 tháng so với thông thường, chậm quá trình phát triển nhận thức 10 năm trong khi để lại những di chứng khác về trí nhớ và chức năng chỉ đạo cũng như sức khỏe cảm xúc. Nghiên cứu này tiếp tục bổ sung thêm một bằng chứng khác về hậu quả lâu dài của tình trạng thiếu sắt trong giai đoạn đầu đời đối với não bộ.