Cơ quan trên cho biết, theo nghiên cứu, bệnh béo phì mức độ nhẹ giảm trung bình 3 đến 5 năm tuổi thọ của con người, còn nếu ở mức độ nặng, con người sẽ mất đi 15 năm sống. Theo thống kê, cứ 3 trường hợp tử vong thì có 2 trường hợp nguyên nhân do những bệnh liên quan đến rối loạn trao đổi chất béo và bệnh béo phì.
Cũng theo báo cáo của Cơ quan trên, hiện tại đa số các nước châu Âu có khoảng 15-25% người lớn mắc bệnh béo phì. Ngoài ra, tỷ lệ mắc béo phì trong trẻ vị thành niên cũng gia tăng: đến 25% trẻ tại các nước phát triển bị thừa cân, và 15% mắc bệnh béo phì. Trong đó, thừa cân khi còn bé là nhân tố đáng kể ảnh hưởng đến nguy cơ béo phì ở lứa tuổi lớn. Theo thống kê, đến 50% trẻ bị thừa cân lúc 6 tuổi đều bị béo phì khi trưởng thành, còn tỷ lệ này đối với trẻ thừa cân khi thiếu niên là 80%. Béo phì dẫn đến các bệnh phi truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh tim mạch, ung bướu, tiểu đường.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, khoảng 41% dân số thế giới sẽ mắc chứng thừa cân. Nhân Ngày thế giới chống bệnh béo phì, nhiều chính phủ khuyến cáo người dân nên giảm tỷ lệ thực phẩm tinh chế, đồ ăn nhanh, tăng hoạt động thể chất, đặc biệt là đưa thực đơn lành mạnh vào trường học và công sở.