Các chuyên gia khuyến cáo chính phủ các nước trong khu vực cần phải hành động cương quyết để khuyến khích lối sống lành mạnh trong người dân. Đây cũng là chủ đề chính được 46 nước thành viên Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) đưa ra thảo luận tại hội nghị khai mạc trong ngày 9/4 tại Fiji.
Theo ông Sridhar Dharmapuri thuộc Văn phòng Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm thuộc FAO tại Bangkok, trong giai đoạn 2000 - 2016, số trẻ em thừa cân dưới 5 tuổi đã tăng 38% và xu thế đáng báo động này vẫn chưa dừng lại. Tỷ lệ trẻ em béo phì tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thậm chí gia tăng nhanh hơn tại nhiều khu vực khác trên thế giới. Ngoài Mỹ là nước đứng đầu, nhiều nước khác trong khu vực đều nằm trong danh sách báo động cao nhất về tình trạng sức khỏe.
Liên quan đến vấn đề sức khỏe, ngày 8/4, Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), có trụ sở tại Paris (Pháp), cũng công bố báo cáo cho biết Mỹ, Mehico, New Zealand và Hungary là những nước có tỷ lệ béo phì ở người lớn cao nhất thế giới, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc được ghi nhận tỷ lệ thấp nhất.
Tuy nhiên, các chuyên gia OECD lưu ý rằng tỷ lệ béo phì ở trẻ vị thành niên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương gia tăng là rất đáng lo ngại do trẻ em thừa cân là những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh béo phi khi trưởng thành và các bệnh khác liên quan như tiểu đường tuýp 2, huyết áp và xơ gan...
Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan là những nước có số trẻ em thừa cân cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Samoa, Tonga và Nauru là những nước có tỷ lệ trẻ em thừa cân cao nhất ở khu vực Thái Bình Dương. Australia cũng có tỷ lệ béo phì cao. Nhiều nước trong danh sách này đang phải vật lộn để giải quyết vấn đề dinh dưỡng đối với người dân.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ADBI), chi phí chăm sóc sức khỏe cho những người thừa cân hoặc béo phì ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 166 tỷ USD/năm. Điều kiện sống và xã hội phát triển nhanh trong 20 năm qua là yếu tố chính góp phần làm gia tăng tỷ lệ béo phì. Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế 20 năm liên tục, vì thế nguồn thực phẩm trở nên dồi dào với giá rẻ hơn đáng kể so với nhiều năm trước.