Trước kết quả khẳng định ca nghi nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng đã dương tính với virus SARS-COV-2, đây là ca bệnh số 416 của Việt Nam, từng tiếp xúc với nhiều người, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: “Trước tình hình tại nhiều quốc gia xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã từng đưa kịch bản này vào kế hoạch để đáp ứng công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Việt Nam cũng đã tính tới phương án, cách xử lý nếu có ca bệnh trong cộng đồng. Hiện, Việt Nam đã có năng lực tốt hơn, cũng như kinh nghiệm trong việc khoanh vùng, dập dịch. Điều quan trọng nhất trong lúc này là chúng ta phải tiếp tục thực hiện triệt để những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước đây, như cách ly, khoanh vùng và dập dịch”.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người dân lúc này không nên hoang mang, lo lắng mà cần phải bình tĩnh. Việc phòng chống dịch thời điểm này không phải chỉ là nhiệm vụ cua ngành Y tế, chính quyền, mà quan trọng là mỗi cá nhân cần tích cực áp dụng những biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 cho chính mình. Việc giãn cách trong cùng một nhóm du lịch, cùng gia đình… có thể không sao, vì đó là những nhóm cộng đồng vẫn an toàn. Tuy nhiên, cần thực hiện giãn cách, không nên giao lưu, tiếp xúc đối với những vùng nguy cơ hoặc là đối với những nhóm cộng đồng có nghi ngờ.
“Thực tế thời gian qua, tại một số nơi, từ chính quyền đến người dân đã có sự chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, nhiều nơi như: Các khu chung cư, các điểm công cộng đã không còn trang bị nước sát khuẩn trong khi Bộ Y tế vẫn khuyến cáo cần phải thường xuyên trong giai đoạn này. Ngay từ bây giờ tất cả cần phải nghiêm túc thực hiện việc nới lỏng cộng đồng. Đối với người dân, việc cần thực hiện trong thời điểm này là đeo khẩu trang, rửa tay, thực hiện vệ sinh thật tốt. Nhiều quốc gia hiện nay cũng đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp này, dù trước đó họ không chú trọng như Mỹ, các nước Châu Âu…” PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.
Theo đó, việc thường xuyên rửa tay khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại những nơi công cộng như: Xe buýt, công sở, chung cư… cần tiếp tục thực hiện triệt để mới đảm bảo phòng bệnh.
Trước đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng đã ra công văn gửi đến các Bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đề nghị: Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống lây nhiễm chéo COVID-19 tại các khu cách ly do đơn vị quân đội quản lý.
Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an địa phương quản lý chặt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý người nước ngoài đến cư trú, tạm trú bất hợp pháp; vận động quần chúng nhân dân phát hiện và tiến hành xử lý nghiêm các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Các trường hợp đưa thông tin không đúng, sai sự thật về dịch COVID-19 gây hoang mang trong dư luận sẽ bị xử lý nghiêm.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện nghiêm các quy định về cách ly đối với tổ bay theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện giao thông vận tải công cộng, tại các nhà ga, sân bay, bến xe...
Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền không được chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.