Ngày 17/10, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh mang theo nhiều máy móc, trang thiết bị, vật tư phòng hộ, thuốc men và ê kíp gồm 10 người đã khởi hành đi Sóc Trăng.
BS.CKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Sóc Trăng diễn biến phức tạp do xuất hiện nhiều ổ dịch khó truy vết, với tinh thần tương thân tương ái, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo khẩn chi viện cho tỉnh Sóc Trăng về công tác phòng, chống dịch.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cắt cử Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, là đơn vị tuyến đầu có bề dày lịch sử trong công tác chống dịch, chuẩn bị sắp xếp nhân sự và các công tác hậu cần cần thiết, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ chi viện. Chưa đầy 24 giờ nhận lệnh, đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã khởi hành đi Sóc Trăng với 4 y, bác sĩ và 6 điều dưỡng.
Sau hơn 4 giờ di chuyển, đoàn đã đến Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh Sóc Trăng. Việc chuyển giao máy móc và thuốc men được thực hiện nhanh chóng và các nhân sự đã làm quen, bàn bạc để bắt tay vào công việc. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiếp nhận điều trị cho 18 ca bệnh COVID-19 ở mức độ nặng đến nguy kịch đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 7 ca thở máy, 2 ca lọc máu và 1 ca ECMO.
Trước đó, ngày 16/10, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất với ê kíp 9 người gồm y, bác sĩ và điều dưỡng ở các chuyên khoa Cấp cứu, Phẫu thuật, Gây mê hồi sức, Chấn thương chỉnh hình, phòng Vật tư thiết bị… đã lên đường đến Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận.
PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, ngay khi nhận được công văn ngày 15/10 của Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận về việc đề nghị Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ nhân lực, thiết bị vật tư y tế, thuốc thiết yếu để điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch, bệnh viện đã nhanh chóng phân công nhân sự hỗ trợ cho Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh hỗ trợ nhân lực y, bác sĩ, cùng đồng hành đến Ninh Thuận còn có khoảng 2 tấn thiết bị, máy móc, thuốc men gồm 5 máy thở chức năng cao, 20 máy thở oxy dòng cao (HFNC), 50 máy tạo oxy, thuốc kháng virus Remdesivir cùng nhiều thuốc men và trang thiết bị y tế khác để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.
PGS.TS Lê Đình Thanh chia sẻ, bằng chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất sẽ sát cánh cùng các đồng nghiệp bệnh viện tỉnh Ninh Thuận trong nỗ lực cứu chữa những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch. Thời gian công tác của đoàn dự kiến từ ngày 17/10 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.
Vào ngày 15/10, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã lên đường đến hỗ trợ tỉnh Cà Mau trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Đoàn công tác gồm 6 thành viên, do bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy làm trưởng đoàn.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/10 đến ngày 24/10, đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiến hành khảo sát thực địa tại các trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh Cà Mau; làm việc với UBND tỉnh Cà Mau, Sở Y tế tỉnh Cà Mau và Bệnh viện tỉnh Cà Mau về việc điều phối, phân luồng và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẽ phối hợp với địa phương tham gia trực tiếp vào công tác điều trị bệnh nhân COVID-19; tư vấn, thiết kế quy trình phân luồng, khám sàng lọc; tổ chức các lớp tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19; đi thực địa tại các bệnh viện huyện, đặc biệt là những huyện có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 để khảo sát và tư vấn cho các bệnh viện này về việc phân khu vực cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19, phân luồng và các vấn đề chuyên môn liên quan đến chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19…