Đây là bệnh viện đầu tiên ở khu vực phía Nam triển khai thành công kỹ thuật này.
Mắc bệnh suy tim từ 7 năm trước, từ đó sức khỏe ông Mai Đức Chính (63 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) suy giảm rõ rệt. Ông thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi dù đã được đặt stent thông tắc mạch vành. Mới đây, khi Bệnh viện Thống Nhất triển khai kỹ thuật sóng xung kích ngoài cơ thể, ông đã được tư vấn điều trị theo phương pháp này bởi ông không thể sử dụng biện pháp can thiệp khác. Cách đây 1 tháng, ông Chính bắt đầu điều trị bằng sóng xung kích ngoài cơ thể và đến lần thứ 2 sức khỏe đã cải thiện rõ rệt.
Trước đây, chỉ cần leo 1 tầng lầu ông đã rất mệt, hiện nay ông có thể leo 4 tầng lầu mà không cần nghỉ giữa chừng, ông Chính cho hay.
Được biết, đây là bệnh nhân thứ 10 sử dụng kỹ thuật sóng xung kích ngoài cơ thể để điều trị bệnh mạch vành tại Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Theo bác sỹ Lê Quốc Hưng, với những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, thông thường sử dụng các phương pháp điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết), đặt stent hoặc mổ bắc cầu nối chủ vành. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không thể đặt stent do tổn thương mạch vành phức tạp hoặc không thể phẫu thuật bởi tuổi tác khá cao và có bệnh lý kèm theo. Do đó, kỹ thuật sóng xung kích ngoài cơ thể được xem là phương pháp tối ưu dành riêng cho những bệnh nhân này.
Đây là phương pháp trị liệu với cách điều trị không xâm lấn sử dụng kỹ thuật sóng xung kích cho quá trình lưu thông động mạch vành ở cơ tim. Phương pháp này giúp tăng cường tưới máu cơ tim, giảm mức độ và tần suất đau thắt ngực, giảm lượng Nitrat tiêu thụ, đồng thời gia tăng khả năng gắng sức của người bệnh...Ưu điểm của kỹ thuật sóng xung kích ngoài cơ thể là không gây rối loạn nhịp tim, không tạo huyết khối trong buồng tim, có thể điều trị ngoại trú, không giới hạn số lần tái điều trị, không có tác dụng phụ nguy hiểm, không can thiệp xâm lấn, không gây đau...
Ngoài Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế, tại khu vực phía Nam mới chỉ có Bệnh viện Thống Nhất triển khai thành công kỹ thuật này.
Theo các bác sỹ, bệnh động mạch vành là bệnh gây tử vong cao nhất trong những bệnh lý tim mạch ở các nước phát triển. Hiện trên thế giới có khoảng 40 triệu người mắc bệnh mạch vành và mỗi năm có khoảng 5,8 triệu trường hợp mắc mới.