Trước đó, đầu giờ sáng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đã cùng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID -19 diễn biến nặng, nguy kịch, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, đã vào thăm bệnh nhân 91.
Hiện tại, bệnh nhân giao tiếp tốt và tương tác với các thành viên Tổ công tác. Bệnh nhân đã có thể xoay trở, nhấc chân tay, tập nói vài câu tiếng Việt theo hướng dẫn của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê.
Tại buổi hội chẩn ở Bệnh viện Chợ Rẫy có Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Giám đốc bệnh viện, cùng Tổ điều trị bệnh nhân 91 của Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đại diện Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh
Tại điểm cầu Bộ Y tế có Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y…
Các điểm cầu khác như Bệnh viện Trung ương Huế có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện, cùng các chuyên gia của bệnh viện; cùng rất nhiều chuyên gia giỏi tại các điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Phát biểu tại buổi hội chẩn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, đây là buổi hội chẩn quốc gia lần thứ 6 dành riêng cho bệnh nhân 91. Buổi hội chẩn có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe người bệnh, các giải pháp đảm bảo an toàn để có thể chuyển bệnh nhân 91 về nước Anh theo đề nghị của Đại sứ quán Anh.
Tại buổi hội chẩn các chuyên gia đã nghe đại diện Khoa Hồi sức tích cực báo cáo tình hình sức khỏe bệnh nhân 91. Bệnh nhân tiếp xúc tốt, đêm ngủ ngon; tự thở khí phòng, SpO2 95%, nhịp thở 20 lần/phút. Sức cơ 2 tay, 2 chân bình thường, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và vịn khung tập bước được nhiều bước hơn…
Các chuyên gia đã xem xét và cho ý kiến về các nguy cơ có thể xảy ra khi bệnh nhân được vận chuyển bằng đường hàng không, nguy cơ biến chứng tràn khí màng phổi, nhồi máu phổi khi ở độ cao hàng không...
Các chuyên gia đề nghị Bệnh viện cần xây dựng kế hoạch chi tiết về phương án vận chuyển bệnh nhân, có bảng kiểm tra danh mục đảm bảo về sức khỏe tim mạch, hô hấp của bệnh nhân...
Các chuyên gia hô hấp như Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quý Châu, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết cho rằng bệnh nhân 91 đã đủ điều kiện chuyển viện an toàn.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, bệnh nhân tiếp xúc, giao tiếp tốt, cần coi như người bệnh bình thường. Bệnh nhân không cần cách ly và có giấy xác nhận hết đã âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang cho rằng đây là việc chuyển bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2. Việc tiếp nhận tại Anh sẽ theo đúng luật pháp của Anh còn ở Việt Nam sẽ theo luật pháp và quy định ngoại giao của Việt Nam.
Kết luận tại buổi hội chẩn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, bệnh nhân 91 đủ tiêu chuẩn chuyển viện, bệnh nhân không phải cách ly và sẽ được làm xét nghiệm lần cuối xác nhận không còn virus SARS-CoV-2. Bệnh viện Chợ Rẫy cần xây dựng kế hoạch bàn giao bệnh nhân tại bệnh viện. Bệnh nhân có thể chuyển viện vào ngày 12/7 theo đề nghị của Đại sứ quán Anh.
Tiểu ban Điều trị giao Bệnh viện Chợ Rẫy ký hợp đồng chặt chẽ với cơ quan tiếp nhận bệnh nhân 91 theo đúng quy định pháp lý, ngoại giao; có tóm tắt hồ sơ bệnh nhân bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Từ nay đến ngày 12/7 là còn 9 ngày, bệnh nhân cần tiếp tục được tập luyện, phục hồi chức năng để đảm bảo sinh hoạt bình thường khi di chuyển bằng đường hàng không, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.