Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người của Bộ Y tế, bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra; đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch.
Theo đó, virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền theo các đường như: Lây từ động vật sang người; lây từ người sang người trong các trường hợp:
- Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp.
- Khi tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
- Có thể lây truyền qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Cụ thể, trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh là tiếp xúc trong vòng 1 mét, trong khoảng thời gian từ khi người bệnh khởi phát triệu chứng đầu tiên đến khi người bệnh được cách ly y tế hoặc đến khi người bệnh khỏi bệnh.
Tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người bệnh bao gồm tiếp xúc da kề da như: Sờ, chạm, ôm, hôn, quan hệ tình dục…
Tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng sinh hoạt của người mắc bệnh đậu mùa khỉ là tiếp xúc với các vật dụng như: Quần áo, chăn, chiếu, gối…
Với cơ chế lây truyền như trên, để phòng lây nhiễm đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như:
- Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).
- Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.
- Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/ động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.
- Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.