Ngày 6/7, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bé gái 13 tuổi trên mắc hội chứng Herlys-Werner-Wunderlich. Hội chứng này đặc trưng bởi 3 bất thường gồm: 2 tử cung, một thận và bế đường ra kinh nguyệt của một tử cung do có vách ngăn.
Đây là hội chứng hiếm gặp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng sống, khả năng sinh sản cho phụ nữ. Theo bác sĩ, hiện tỷ lệ mắc hội chứng chưa rõ ràng, một số báo cáo ghi nhận khoảng 1/28.000 trường hợp. Theo y văn, triệu chứng nhận biết bệnh hay gặp nhất là đau bụng kinh (63,9%), tiếp theo là đau vùng chậu (35,2%). Vì hội chứng hiếm gặp, triệu chứng bệnh khó nhận biết nên bệnh nhân thường bỏ qua, dẫn đến chẩn đoán trễ.
“Trường hợp của bé gái trên sau 13 năm mới phát hiện nhờ bé dậy thì, đường ra kinh nguyệt bị bít tắc, gây đau vùng chậu mãn tính. Bệnh nhi được phát hiện trễ là do bệnh hiếm kèm một bên tử cung hoạt động bình thường, kinh nguyệt bệnh nhi vẫn xảy ra hàng tháng. Bên cạnh đó, buồng tử cung còn lại tắc gây ra hiện tượng trào ngược máu kinh, ứ đọng máu ở cổ tử cung, tử cung, vòi trứng", bác sĩ Mỹ Nhi thông tin thêm.
Tình trạng này nếu để lâu hơn có thể gây nhiều hệ lụy như dãn to vòi trứng, tử cung ứ máu có thể vô sinh. Phụ nữ trưởng thành, nếu mang thai có thể biến chứng sẩy thai, chậm tăng trưởng, sinh non, tăng tỷ lệ mổ lấy thai, vỡ ối non.
Theo đó, bệnh nhi đã được phẫu thuật cắt vách ngăn chắn giữa âm đạo và tử cung bên phải để giải quyết tình trạng tắc nghẽn kinh nguyệt. Êkip tiến hành chọc hút được 1.000 ml dịch sánh nâu, là kinh nguyệt tích tụ, ứ đọng.
Bác sĩ Mỹ Nhi đánh giá, đây là phẫu thuật khó vì cơ quan sinh dục bé gái còn nhỏ nên thao tác khó. Êkíp mổ đã phẫu thuật mở lỗ thông giữa vách ngăn âm đạo và tử cung khoảng 2cm, sau đó đặt ống thông silicon để dẫn lưu máu kinh, hạn chế bị ứ tắc kinh nguyệt.
Theo y văn, hội chứng Herlys-Werner-Wunderlich có thể phát hiện ở bé gái dậy thì hoặc trưởng thành. Bệnh có thể có liên quan yếu tố di truyền, khoảng 75% phụ nữ có tử cung đôi do có bố mẹ bị bất thường một phần hoặc toàn bộ vách ngăn cơ quan sinh dục. Dị tật này có thể tầm soát, phát hiện sớm qua siêu âm, chụp MRI, phẫu thuật nhằm hạn chế biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng chất lượng sống và khả năng sinh sản.
Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo thêm, dị dạng cơ quan sinh dục nữ thường gặp ở tử cung, âm đạo. Trong đó, các dị tật có thể gây ứ đọng máu kinh nguyệt như: Màng trinh không thủng, âm đạo có vách ngăn. Bé gái tuổi dậy thì nếu có triệu chứng đau bụng dưới kéo dài, đau nhiều khi đến kỳ kinh nguyệt hoặc đến tuổi chưa dậy thì cần đi khám, qua đó có thể phát hiện sớm các bất thường tại đường sinh dục và cơ quan sinh sản.