Gia tăng số trẻ mắc tay chân miệng nặng
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại Bệnh viện Nhi đồng 1 trong sáng 29/3, khoa Nhiễm – Thần kinh đang điều trị cho 25 trẻ mắc tay chân miệng, nhưng có đến 6 trẻ bị nặng độ 2b, trong đó có 2 trẻ đang phải nằm điều trị trong phòng cấp cứu.
Đinh ninh rằng con trai 29 tháng tuổi đã bị tay chân miệng vào đầu năm học, thì sẽ không bị lại nữa; nhưng chị Lê Thị M. H. (quận 7) không ngờ con vẫn mắc, thậm chí lần này bệnh còn nặng hơn lần trước. Khi vừa đưa đến bệnh viện, con chị đã phải vào phòng cấp cứu. Chị M. H cho biết, ngày đầu thấy con bị nổi mấy mụn dưới mông và xuất hiện nốt chấm nhỏ nhỏ, nhưng không bị sốt, nên chị không biết bị tay chân miệng nên không cho đi khám. Tuy nhiên, ngày thứ hai bé bị sốt, nổi mụn trong miệng nên chị đưa bé đi đến phòng khám tư, bác sĩ cho thuốc và uống và theo dõi tại nhà.
“Uống thuốc nhưng không thấy bé hết sốt mà còn hay bị giật mình, thở nhanh nên tôi đưa bé đến thẳng Bệnh viện Nhi đồng 1 khám. Các bác sĩ nói bé bị tay chân miệng nặng và phải nhập viện cấp cứu”, chị M. H. nói.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, so với những tháng trước, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân có thể do trẻ đi học lại sau một thời gian dài nghỉ học do dịch COVID-19.
"Mặc dù so với cùng kỳ những năm trước, số ca mắc bệnh tăng không nhiều nhưng số ca bệnh nặng thì đang có xu hướng gia tăng. Số ca bệnh tăng nhưng không có ca nặng thì sẽ yên tâm hơn, còn số ca nặng tăng thì sẽ tốn kém không chỉ về chi phí, thời gian nằm viện mà còn phải tập trung nhiều nhân lực hơn để chăm sóc cho những ca bệnh này. Số ca bệnh nặng tăng là đáng lo ngại nhất. Hiện số ca bệnh nặng chiếm 1/4 ca mắc tay chân miệng tại khoa”, bác sĩ Quy nói.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, từ đầu tháng 3/2021 đến nay, số bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng về số lượng lẫn bệnh nặng. Trước đó, vào tháng 2, mỗi tuần tại khoa Nhiễm chỉ tiếp nhận khoảng 4 - 5 trường hợp nhưng sang đến tháng 3 số ca bệnh tăng lên và hiện khoa đang điều trị cho 20 trẻ, trong đó có những trẻ phải thở máy, sử dụng thuốc và điều trị tích cực.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, đến hết tuần 11 của năm 2021, toàn thành phố có 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca). Riêng tuần 11 có 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước (152 ca). Hiện 21/24 quận, huyện đều có số ca mắc tay chân miệng gia tăng ở mức báo động.
"Qua phân tích số liệu theo tuần, bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 10, đến tuần 11 bệnh tăng rất mạnh, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước. Có 21/24 quận huyện trên địa bàn thành phố tăng ở mức báo động, đặc biệt là quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và thành phố Thủ Đức", Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết.
Không nên theo dõi sức khỏe của trẻ theo thông tin trên mạng
Lý giải về số ca nhập viện nặng tăng lên, bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết, qua tìm hiểu, đa số phụ huynh e ngại đưa con đi khám bệnh trong mùa COVID-19. Bên cạnh đó, tay chân miệng cũng là một căn bệnh khá phổ biến nên phụ huynh cũng tìm kiếm các thông tin theo hướng dẫn trên mạng và tự theo dõi sức khỏe trẻ tại nhà. Khi có bất thường, trẻ trở nặng phụ huynh mới đưa con đến bệnh viện điều trị.
Bác sĩ Quy cho rằng, việc phụ huynh theo dõi con theo các chỉ dẫn trên mạng sẽ không cặn kẽ và tốt bằng việc đưa con đến cơ sở y tế khám và theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Bác sĩ Quy khuyến cáo, khi phát hiện trẻ nghi ngờ bị tay chân miệng, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và dặn dò của nhân viên y tế. Từ đó, bệnh nhân được theo dõi sức khỏe tốt hơn là lấy từ những thông tin ở trên mạng để theo dõi.
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, vào tháng 4 và tháng 5 nắng nóng, số ca bệnh tay chân miệng sẽ có xu hướng gia tăng hơn nhưng sẽ không tăng nhiều như những năm trước, bởi trong mùa COVID-19 mọi người đã sử dụng các biện pháp rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung nơi công cộng…
“Hiện tại khoa đã chuẩn bị 50 giường bệnh dành cho bệnh nhân tay chân miệng, nếu số ca bệnh tăng hơn thì chúng tôi sẽ huy động thêm các phòng bệnh khác”, bác sĩ Quy cho biết thêm.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tháng 3, tháng 4 là thời điểm số ca mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao khi trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ Tết. Để kiểm soát tình hình dịch bệnh tay chân miệng, các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học.
Theo đó, các trường cần đặc biệt lưu ý việc theo dõi, giám sát, phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do con em mình nghỉ học. Phụ huynh khi có con mắc bệnh hãy chủ động cho trẻ nghỉ học, thông tin đến nhà trường lý do trẻ nghỉ học.
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng gia tăng báo động, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh tay chân miệng hàng tuần tại các quận, huyện có số ca báo động. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, các Trung tâm sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở cả nơi sống và nơi học tập của bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.
“Một vấn đề hết sức quan trọng mà phụ huynh cần lưu ý đó là theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Ngọc Thịnh, khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết.