Nhiều khó khăn trong quản lý
Qua những đợt kiểm tra của ngành y tế và các cơ quan chức năng cho thấy nhiều cơ sở làm đẹp thường có những hành vi vi phạm rõ nhất là: Các cơ sở hoạt động khi không có giấy phép, nhân viên không được đào tạo và không có chứng chỉ hành nghề… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở thẩm mỹ cũng vi phạm khi kinh doanh các loại mỹ phẩm không phép, sảm phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu; điều kiện cơ sở không đảm bảo phẫu thuật thẩm mỹ theo đúng quy định; quảng cáo các dịch vụ y tế chưa được các cơ quan chức năng cho phép…
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc xử lý những cơ sở thẩm mỹ “chui” vẫn chưa được mạnh tay và triệt để nên tình trạng các cơ sở thẩm mỹ không phép, trái phép hoạt động tràn lan vẫn diễn ra trong một thời gian dài khiến nhiều người tiền mất, tật mang và thậm chí mất cả mạng.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Hiện Hà Nội có hơn 100 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và quản lý trực tiếp. Còn các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như: Thẩm mỹ viện, spa, cơ sở chăm sóc da, cơ sở massage... do UBND quận, huyện, thị xã cấp phép kinh doanh và quản lý. Theo quy định, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu như: Nhấn mí mắt, nâng mũi, tạo lúm đồng tiền... không được làm các phẫu thuật lớn như căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực… Còn những cơ sở làm đẹp chỉ được phép làm các dịch vụ ngoài da, không được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như xăm mắt, môi, lông mày…”
Theo đó, dù đã có quy định rõ ràng nhưng trên thực tế các cơ sở làm đẹp hầu hết đều gắn biển hiệu “thẩm mỹ viện” để đánh lừa khách hàng. Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến các cơ quan khó kiểm soát được hết, rất cần chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn.
Thực tế hiện nay, các địa phương được giao quản lý các cơ sở làm đẹp nhưng một số cơ sở hoạt động sai phép hoặc quá phạm vi cho phép chỉ được chính quyền phát hiện khi đã có hậu quả xảy ra.
“Hiện nay, các trang web, Facebook, fanpage cũng chính là nơi để các cơ sở làm đẹp “hoành hành” với những quảng cáo “trên trời” khó kiểm soát. Trước thực trạng đó, Sở Y tế Hà Nội thường xuyên đôn đốc, đề nghị các địa phương siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở làm đẹp không để tình trạng vi phạm xảy ra và mạnh tay xử lý mạnh các cơ sở vi phạm”, ông Nguyễn Quang Trung cho biết.
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và đòi hỏi sự quyết tâm tham gia của các đơn vị quản lý ngành. Thực tế khi đi kiểm tra, lực lượng chức năng đã gặp không ít khó khăn để tìm ra các chứng cứ vi phạm pháp luật khi đến cơ sở để kiểm tra thực tế nếu chỉ căn cứ vào nguồn thông tin phản ánh được đăng tải trên các báo, đài vì các cơ sở đã chủ động có hành vi đối phó.
Không để “nhập nhằng” biển hiệu, quảng cáo
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Với các biển hiệu thường thấy như thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, trung tâm thẩm mỹ… được treo tại những toà nhà có cơ sở hạ tầng sang trọng, bắt mắt dễ làm cho người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bị lầm tưởng là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả các loại hình thẩm mỹ. Đây cũng chính là một trong những “kẽ hở” để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.
Nguyên nhân của việc này là hiện chúng ta chưa có quy định về đặt tên biển hiệu của các “cơ sở làm đẹp” tương ứng với các nhóm cơ sở dịch vụ làm đẹp nên người dân rất khó biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp; cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
“Cần bổ sung các quy định pháp luật về tên các doanh nghiệp và tên các biển hiệu của các cơ sở để khi đọc tên biển hiệu của các “cơ sở làm đẹp” thì người dân sẽ dễ dàng nhận biết được. Đồng thời những quy định này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý có thêm cơ sở pháp lý để lắp đi những “kẽ hở”, ông Tăng Chí Thượng cho biết.
Vừa qua, nhằm phát hiện các sai phạm trong hành nghề khám chữa bệnh, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tạo nhiều kênh để tiếp nhận thông tin như "y tế trực tuyến", các số điện thoại đường dây nóng và qua thông tin dư luận xã hội. Đây là các kênh "cực kỳ nhanh" trong xử lý, phản hồi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có các "Tổ phản ứng nhanh" hoạt động theo cách phối hợp nhanh và hiệu quả như trên tại mỗi địa bàn quận, huyện trong xử lý các vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh…
Đặc biệt, việc người dân cùng tham gia giám sát và thông tin trực tiếp các sai phạm đến Sở Y tế cũng là một cách quản lý chặt các cơ sở làm đẹp “chui”.
Theo đó, việc đăng ký tên doanh nghiệp cũng không được “nhập nhằng” giữa cơ sở dịch vụ và bệnh viện, không dùng tên riêng của các bệnh viện để đặt tên cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
“Đã đến lúc cần có một phong trào chống tiêu cực trong ngành thẩm mỹ, đưa ra luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó thêm nữa phần hình sự những trường hợp nào gây tai biến, những trường hợp nào chức năng của họ là bác sĩ nhưng họ giả danh hoặc gây tác hại sức khỏe nhân dân”, BS. Đỗ Quang Hùng, Trưởng Ban pháp chế, Hội Tạo hình thẩm mỹ Việt Nam đề xuất.