Nghề “5 nhất”
Vừa tốt nghiệp đào tạo bác sĩ, đang có ý định ôn thi tiếp bác sĩ nội trú tại Đại học Y dược Thái Bình, tức là sẽ phải mất thêm 3 năm chuyên tâm học tập nữa, bác sĩ Đ.T.N vô cùng băn khoăn khi kinh tế gia đình khó khăn.
“Gia đình nuôi ăn học suốt 9 năm để trở thành bác sĩ có tay nghề là một gánh nặng rất lớn, vì vậy tôi rất mong có cơ hội được làm việc ở một bệnh viện nào đó để có tiền đi học tiếp, đỡ nỗi lo học phí. Tôi đã từng phải đi phải hỏi địa phương xem có chính sách vay vốn cho đối tượng học bác sĩ nội trú không, nhưng cũng không có”, bác sĩ Đ.T.N tâm tư.
Cũng là niềm tự hào của bố mẹ khi thi đỗ trường y, học bác sĩ, nhưng sau 6 năm ra trường, bác sĩ N.M.T (ở Hà Nội) lại loay hoay tự nuôi mình với mức lương bậc 1, thường phải xin thêm hỗ trợ gia đình.
Bác sĩ này cho biết, nếu không yêu nghề và gia đình không hỗ trợ thêm thì có lẽ đã không thể sống nổi với mức lương khởi điểm “bèo bọt”. Đó là chưa kể, bệnh viện còn yêu cầu học thêm 18 tháng xác nhận thực hành, việc đi học cũng phải đóng phí.
Nghề đặc thù, học hành vất vả, mất nhiều thời gian, nhưng mức lương, đãi ngộ lại tỷ lệ nghịch.
PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam đánh giá: “Ngành Y có 5 “cái nhất”, đó là: Đầu vào điểm cao nhất; thời gian học dài nhất; chịu áp lực cao nhất; rủi ro nghề nghiệp nhiều nhất; và lương lại thấp nhất, khi mức lương ngành Y đang đứng thứ 17/18 ngành hiện nay”.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, ghi nhận các kiến nghị từ các đơn vị của Công đoàn Y tế Việt Nam; ngành y tế cũng như ngành giáo dục đang chờ Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương mới. Cụ thể, trong ngành giáo dục được hưởng thâm niên nghề nhưng ngành y là thầy thuốc, cũng là “thầy” nhưng lại không được hưởng mức này.
Theo đề xuất triển khai theo lương mới, ngành y tế không được nâng lên 30% như ngành giáo dục. Chưa kể các khoản khác như: Mức phụ cấp trực, từ năm 2013 khi lương cơ bản là 830.000 đồng, chỉ có 18.000 - 125.000 đồng ở các cấp; nhưng đến nay, lương cơ bản đã tăng lên 1,8 triệu nhưng mức phụ cấp này vẫn chưa thay đổi.
Cũng tâm tư với mức đãi ngộ nhân viên y tế hiện nay, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: “Một người chọn học làm bác sĩ, khi vào học là đã nhiều hơn 2 năm so với các ngành khác, sau đó mất thêm 3 năm học nội trú hoặc đi học thêm các chuyên khoa; như vậy họ phải mất ít nhất 10 năm mới có thể trở thành bác sĩ “cứng” để có thể khám, chữa bệnh và có thể khiến người bệnh yên tâm. Trong suốt 10 năm đi học đó ai là người nuôi họ?”.
Mong chờ những thay đổi
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, trong những năm gần đây, Nhà nước đã rất quan tâm đến ngành y; đơn cử như việc cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch đã được hưởng phụ cấp, đãi ngộ; các cán bộ là thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, vừa qua đã được đãi ngộ, tôn vinh… Trong các bệnh viện, lãnh đạo các đơn vị cũng đã nỗ lực để có những hoạt động chăm lo đời sống cho cán bộ y tế trong những hoàn cảnh khó khăn thời gian qua. Khi đời sống được đảm bảo sẽ tránh được hiện tượng nhân viên y tế bỏ việc, xin chuyển hoặc những vấn đề tiêu cực khác.
“Nhân viên y tế cần 2 điều quan trọng nhất là: Đãi ngộ xứng đáng và môi trường làm việc phải đảm bảo. Họ được có nhu cầu học tập, làm việc, cống hiến, sáng tạo. Khi được tạo điều kiện, chắc chắn họ sẽ cố gắng hết mình. Bởi vậy, tại đơn vị, chúng tôi luôn có những cuộc đối thoại để lắng nghe tâm tư và tập hợp để giải quyết, điều chỉnh cho phù hợp”, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền chia sẻ.
PGS.TS Phạm Thanh Bình cũng cho rằng: “Để có thế hệ cán bộ y tế trẻ tâm huyết hơn nữa thì việc nâng lên mức lương bậc 2 cho các bác sĩ mới ra trường là cần được xem xét. Việc đầu tư cho lĩnh vực đặc thù như ngành y tế cũng cần có nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi rất mong các chế độ chính sách được quan tâm hơn. Cán bộ y tế đa số rất nỗ lực học tập, có những người từ điều dưỡng có thể học lên đại học, học lên thạc sĩ nhưng đi học về thì không có những mức lương tương ứng, điều này cần thay đổi để anh em tâm huyết, đi học nâng cao tay nghề và nhận lại sự đãi ngộ tương xứng”.
Hiện Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Đảng, Chính phủ, Quốc hội để có những thay đổi phù hợp đối với cách tính tiền lương, phụ cấp đối với đội ngũ nhân viên Y tế cần có những đặc thù phù hợp.
Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng và được áp dụng đối với tất cả các hạng chức danh.
Cùng với đó, cần xem xét lại việc cải cách tiền lương sao cho cán bộ, nhân viên trong ngành y tế cũng phải được hưởng mức lương cao nhất (tăng 30%) để đáp ứng với những đặc thù về yêu cầu đào tạo, đào tạo liên tục, học tập suốt đời và làm việc cường độ cao, áp lực lớn, trách nhiệm nặng nề trong môi trường làm việc độc hại, nghề nghiệp nhiều rủi ro, tai biến y khoa và điều kiện làm việc còn nhiều bất cập.
“Vào ngành y không phải để làm giàu; tuy nhiên, để cán bộ y tế được yên tâm công tác thì các vấn đề về chính sách, đãi ngộ cần được quan tâm giải quyết để các y bác sĩ không phải lo những vấn đề bên ngoài nào khác ngoài chuyên môn, họ chỉ cần tập trung cống hiến. Ngành y là ngành đặc biệt và luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ để tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Chúng tôi cũng rất mong muốn các chính sách sớm đi vào cuộc sống để cán bộ y tế có thể toàn tâm toàn ý, sẵn sàng vì nhiệm vụ”, TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia chia sẻ.