Trước đó, vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 27/3/2023, bà Hà cùng người nhà và hàng xóm nhặt được một loại hạt lạ, có hình dáng gần giống hạt dẻ nên mang về cùng ăn. Sau khi ăn khoảng 30 phút, bà Hà thấy buồn nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng liên tục. 18 người cùng ăn với bà cũng có triệu chứng tương tự nên tất cả đã đến Trung tâm Y tế huyện Văn Quan điều trị. Riêng bệnh nhân Hà do ăn 5 hạt, nhiều hơn những người khác nên các triệu chứng nặng hơn, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.
Từ mẫu hạt do gia đình người bệnh mang đến, các bác sĩ xác định đây là hạt của cây trẩu, có chứa chất độc Saponosid. Hạt trẩu có chứa dầu béo, thường dùng để pha sơn hoặc làm phân bón, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu. Do chứa độc tính nên người ăn phải hạt cây trẩu từ 30 phút đến 4 giờ sẽ có triệu chứng tức ngực, đau đầu, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Trường hợp nặng có thể đại tiện ra máu, đau đớn toàn thân, khó thở, co giật, tê liệt và tử vong.
Bác sĩ Hoàng Mạnh Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp người dân do nhầm lẫn, không rõ loại nên đã ăn nhầm lá, hạt, quả… cây rừng có chứa độc tố, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số trường hợp bệnh nhân nặng hôn mê sâu, tổn thương não dẫn đến sống thực vật, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh và gia đình...
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo người dân không nên ăn các loại quả, hạt khi không biết rõ nguồn gốc và độ an toàn. Trường hợp ăn phải các loại hạt lạ và xuất hiện dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.