Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Tầm nhìn chiến lược
Theo dõi Hội nghị Trung ương 12, ông Hoàng Mạnh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Quỹ Nhất, tỉnh Ninh Bình đánh giá, chỉ trong 2 ngày (18 - 19/7) làm việc, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định nhiều vấn đề lớn, thể hiện tinh thần đổi mới, hành động, làm việc khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả.
Ông Hải đặc biệt tâm đắc với quyết định của Trung ương về việc tích hợp nội dung 3 văn kiện là báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế - xã hội, báo cáo tổng kết xây dựng Đảng thành báo cáo chính trị theo một trục xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ để trình Đại hội XIV của Đảng.
“Đây thực sự là tư duy mới, đột phá, không chỉ là tầm nhìn chiến lược, cách làm sáng tạo, mà còn tránh được sự trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các báo cáo; thể hiện đúng tầm vóc của báo cáo chính trị, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các văn kiện Đại hội XIV của Đảng”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hoàng Mạnh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Quỹ Nhất, tỉnh Ninh Bình.
Theo ông Hải, việc tích hợp thành một báo cáo chính trị rất phù hợp với thực tế hiện nay, vì sự lãnh đạo của Đảng toàn diện, thống nhất, đồng bộ trên tất cả các mặt, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Việc làm này cũng là gợi ý, định hướng để các địa phương áp dụng trong công tác xây dựng văn kiện, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 -2030, trên tinh thần, báo cáo chính trị vừa phải ngắn gọn, súc tích, đề cập được các vấn đề cốt lõi trong kỷ nguyên mới, sâu sát, phù hợp với địa phương, vùng, miền.
Ông Hải đồng tình với phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 12, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Do vậy, khi công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành bài bản, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, sẽ lựa chọn được những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, có năng lực, tư duy thực tiễn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; không để “lọt” những người không bảo đảm tiêu chuẩn tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV...
Tạo niềm tin lớn cho nhân dân
Trên cơ sở thực tiễn, đánh giá các vướng mắc, bất cập trong một số luật và thể chế hiện hành, Hội nghị lần thứ 12 đưa ra định hướng nghiên cứu xây dựng luật theo hướng: Các quy định của luật pháp phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn… Theo các cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Ninh Bình, những định hướng này phù hợp với kinh nghiệm của các nước và thực tiễn phát triển của nước ta.
Ông Phạm Quốc Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (tỉnh Nam Định cũ) nhìn nhận, Hội nghị lần thứ 12 đề cập cụ thể đến việc hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu, quy hoạch, sử dụng đất, bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp... là điều hết sức cấp thiết. Bởi thực tế có không ít vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn liên quan đến đất đai.
Vì vậy, ông Khánh cho rằng, chỉ khi quản lý và sử dụng đất đai chặt chẽ đúng quy định, dựa trên cơ sở quy hoạch phù hợp với định hướng tổ chức không gian kinh tế - xã hội mới của quốc gia và địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính, mới có thể giải quyết căn cơ những tồn đọng về đất đai do lịch sử để lại. Từ đó có điều kiện ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị; phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất.
Ông Phạm Quốc Khánh, Nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (tỉnh Nam Định cũ).
Hội nghị lần thứ 12 xác định cải cách thể chế là khâu đột phá, là động lực then chốt để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, từ đó yêu cầu các cấp, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn, hướng đến xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước, chuyển đổi từ mô hình hành chính quản lý sang hành chính phục vụ... là vô cùng cấp thiết vì cùng với tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế được xem là một trong hai trụ cột trong cải cách hành chính. Cải cách, hoàn thiện thể chế là giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, quản trị hiện đại, xây dựng chính quyền phục vụ, gần dân, sát dân.
Ông Khánh nhận xét, sau gần một tháng mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào vận hành, nhân dân cảm nhận rõ sự thay đổi của bộ máy thực sự gần dân và vì dân. Đội ngũ cán bộ ở Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, phường hướng dẫn nhân dân thực hiện các thủ tục, nhất là những thủ tục thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến qua các phần mềm, rất tận tình, chu đáo. Hiện tại, các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, phường đã giải quyết hết các thủ tục hành chính cần thiết, nhân dân không còn phải đi lại nhiều nơi, tốn nhiều thời gian như trước. Đây là điều khiến người dân rất hài lòng và yên tâm.
“Ninh Bình trong các ngày 21 - 22/7 đã chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 3 có cường độ mạnh, song, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm của chính quyền, lực lượng chức năng từ tỉnh đến xã trong công tác phòng, chống, ứng phó với bão đã giúp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Có thể nói, chính quyền địa phương hai cấp đã trải qua một “phép thử” quan trọng, cho thấy tín hiệu quả và khả năng thích ứng cao”, ông Khánh chia sẻ.