Tảo đặc quánh góc hồ. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Liên quan đến thông tin trên, ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng Phòng Đối ngoại truyền thông, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, đây là hiện tượng bình thường, sau khi nạo vét, hầu hết các hồ trên địa bàn thành phố đều có hiện tượng nitơ, phốt pho tăng cao, gây ra sự phát triển mạnh mẽ của các loại thực vật phù du như: tảo, rêu.
Hiện tượng váng tảo nổi trên mặt hồ Gươm đang được Công ty kết hợp với các nhà khoa học tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tảo trong một vài ngày nữa để có đánh giá chính xác.
Hiện Công ty vẫn cho công nhân túc trực hàng ngày phối hợp với đơn vị vệ sinh môi trường của quận Hoàn Kiếm để tăng cường công tác vệ sinh trên mặt hồ, vớt bớt xác tảo, không làm ảnh hưởng đến những sinh vật sống trong hồ.
Là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về tảo, Giáo sư Tiến sỹ khoa học Dương Đức Tiến cho rằng, loại váng xanh lam đang nổi tại hồ Gươm này là do vi khuẩn lam phát triển còn gọi là tảo lam. Đây là loài tảo độc, do nhiều yếu tố mà xuất hiện, trong đó có nguyên nhân là thời tiết chuyển mùa làm tảo lam phát triển theo cấp số nhân. Loại tảo này phát triển sẽ thải ra khí CO2, khiến nước thiếu O2 và gây nguy hại đến những loài sinh vật khác sống dưới nước nên cần thu gom.
Theo quan sát của phóng viên trong chiều 19/4, những vệt váng xanh nổi trên mặt hồ Gươm chiếm diện tích không đáng kể. Xuất hiện nhiều ở khu vực góc hồ phía trước cửa các số nhà 47- 49 phố Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm). Theo một số người dân thường xuyên có mặt ở hồ Gươm, váng xanh xuất hiện và di chuyển theo hướng gió. Loại váng này không gây mùi khó chịu nên một số người dân tò mò thường đứng xem, gây mất mỹ quan khu vực hồ Gươm.
Từ cuối tháng 11/2017, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội thực hiện nạo vét tổng thể hồ Gươm, với khối lượng hàng nghìn mét khối đất, rác, bùn thải được lấy lên từ lòng hồ.
Mới đây, ngày 13/4, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã thực hiện thả, cấy tảo lục xuống hồ Gươm nhằm tạo mầu xanh đặc hữu riêng có của hồ này. Cụ thể, Công ty đã thả, cấy 22 can nước có chứa tảo lục nguyên thủy của hồ Gươm (mỗi can là 100 lít nước chứa tảo lục), xuống các khu vực quanh hồ như đường: Đinh Tiên Hoàng; Lê Thái Tổ - Hàng Khay và khu vực trung tâm hồ.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, những can nước chứa tảo lục vừa được thả xuống hồ Gươm, vốn dĩ được lấy ở hồ này trước khi được thực hiện nạo vét vào dịp cuối năm ngoái 2017. Sau khi lấy mẫu tảo lục, Công ty nuôi giữ ở phòng thí nghiệm, đảm bảo sinh trưởng tốt, khi được thả ra môi trường tự nhiên.
Nhìn nhận về việc thả, cấy tảo lục xuống hồ Gươm, một số nhà khoa học đánh giá, đây là việc làm tích cực giúp hồ Gươm lấy lại được màu xanh đặc hữu vốn có.