Thời tiết lạnh về sáng sớm và đêm kéo dài thời gian qua đã khiến các bệnh lây qua đường hô hấp ở trẻ em như sởi, thủy đậu, rubella gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, bệnh sởi sau nhiều năm vắng bóng đã quay trở lại với sự gia tăng về số lượng ca nhiễm và hầu hết các ca bệnh đều xuất hiện nhiều trường hợp trẻ bị bệnh sởi khi chưa tới 9 tháng tuổi.Chị Nguyễn Thị Bình, ở quận 7, thành phố Hồ Chí Minh mang con vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng bé bị sốt cao hơn 40 độ thường xuyên, mi mắt sưng và nước mũi ra nhiều.
Qua chẩn đoán, các bác sĩ của bệnh viện khám sàng lọc em bé bị bệnh sởi, đã bị biến chứng nặng nên phải nhập viện cấp cứu ngay. Theo chị Bình, trước đó em bé đã được tiêm phòng mở rộng một số bệnh, tuy nhiên do bé mới hơn 8 tháng tuổi nên vẫn chưa chích ngừa bệnh sởi.
Cán bộ y tế cho trẻ uống Vitamin phòng bệnh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, so với năm ngoái chỉ có vài ca bệnh sởi nhập viện, năm nay bệnh sởi bùng phát nhanh chóng trong vòng một tháng nay. Nguyên nhân do yếu tố thời tiết và do phụ huynh không tuân thủ nghiêm túc lịch tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, bệnh viện cũng đã ghi nhận một số trường hợp trẻ chưa tới 9 tháng tuổi đã bị sởi phải nhập viện điều trị.
Trong vòng một tháng nay, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận trên 70 trẻ mắc bệnh sởi đến khám và điều trị. Các ca bệnh có biểu hiện lâm sàng như sốt cao, ho, tiêu chảy,... đều được Bệnh viện gửi mẫu bệnh đến Viện Pasteur thành phố và 70% các mẫu này đều dương tính với virus sởi.
Còn tại bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày tiếp nhận 5 đến 6 trẻ nhập viện với các triệu chứng của bệnh sởi. Tại phòng lưu bệnh khoa Nhiễm - Thần kinh, có 8 trẻ đang nằm điều trị vì xảy ra biến chứng do virus sởi, trong đó đã có 2 ca nhiễm sởi biến chứng nặng, suy hô hấp, phải thở máy.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nếu cơ địa em bé yếu hoặc chăm sóc không tốt thì sẽ có biến chứng viêm phổi, viêm tai. Viêm tai có thể gây ra điếc, giảm thính lực. Viêm phổi để nặng quá có thể tử vong. Nặng nhất là bị viêm não. Để chủ động phòng tránh chỉ có cách chích ngừa sởi và chích đúng. Đặc biệt là cha mẹ không nên bỏ mũi chích 9 tháng cho trẻ. Đây là mũi tiêm phòng quan trọng cho trẻ, tuy nhiên nhiều cha mẹ bỏ mũi tiêm này để đến khi trẻ 12 hoặc 15 tháng tuổi mới chích ngừa.
Thông thường trẻ từ 9 đến 15 tháng rất dễ mắc bệnh sởi và khi cộng đồng có nhiều người mắc bệnh này thì rất dễ lây lan rộng. Hầu hết các ca sởi phải nhập viện là do bỏ mũi chích ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, bệnh viện cũng phát hiện một số bệnh nhi dù được tiêm vắc xin Quinvaxem mũi 5 trong 1 nhưng khi chưa đến lịch chích ngừa sởi vào tháng thứ 9 thì đã bị mắc bệnh sởi.
Theo lịch tiêm chủng mở rộng, việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ mũi đầu được thực hiện khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Đây cũng là lịch tiêm chủng dựa trên những tiêu chuẩn về y tế dự phòng của quốc tế. Tuy nhiên, do các trường hợp trẻ mắc bệnh sởi trước 9 tháng tuổi chỉ mới xuất hiện trong thời gian này nên một số bác sĩ cho rằng, đối với các nước nhiệt đới như Việt Nam, ngành y tế dự phòng nên nghiên cứu thêm để tăng hiệu quả phòng virut sởi.
Đối với trường hợp trẻ khi bị sốt cao liên tục, ho nhiều, chảy mũi, tiêu chảy, phát ban từ chân tóc đến chân, các bác sĩ khuyến cao các bậc cha mẹ nên đưa trẻ vào các cơ sở y tế sớm để kịp thời điều trị, tránh để bị bệnh nặng, biến chứng.
Hứa Chung