Tránh “đầu voi, đuôi chuột” khi đánh giá Bệnh Viện

“Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị” là quan điểm chủ đạo của Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện (BV), mà Bộ Y tế vừa công bố cuối tháng 12/2013. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để những tiêu chí mới thực sự là “thước đo” chuẩn, phản ánh đúng hiện trạng chất lượng các BV.

 

Nhiều bệnh viện “e ngại” tiêu chí mới

 

Nếu đánh giá ngay theo tiêu chí mới thì một số BV tuyến trung ương, thậm chí bệnh viện hạng sang tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạt mức trung bình.


Khó đạt mức “tạm được”


Theo một đại diện của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV (BTC) vừa được công bố có tới hơn 500 tiêu chí nhỏ, nhiều gấp 5 lần so với các tiêu chí đánh giá cũ. Do đó, các BV sẽ có căn cứ cụ thể để phấn đấu nâng cao chất lượng về mọi mặt, hoạt động đánh giá các BV như vậy cũng sẽ thực chất hơn.


Khi đón nhận những thông tin về BTC này, nhiều đại diện BV khẳng định BTC mới rất toàn diện, hướng tới mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm (coi người bệnh là khách hàng và phục vụ tận tình, chu đáo). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, dù muốn thì các BV cũng rất khó có thể đạt được những tiêu chí đưa ra. Đơn cử, trong phần A về “Hướng đến người bệnh” có đưa ra tiêu chí: “Người bệnh được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật". Trong đó, nếu muốn được xếp ở mức 3/5, mức đánh giá được đại diện ngành y tế coi là “chấp nhận được”, các BV phải đảm bảo hàng loạt tiêu chí nhỏ như: Phòng chờ đủ chỗ ngồi tối thiểu cho 10% số lượt người bệnh đến khám trung bình mỗi ngày, có ti vi tại phòng chờ, người bệnh nặng được vận chuyển bằng các phương tiện vận chuyển và có nhân viên y tế dẫn đi làm các xét nghiệm lâm sàng…”. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ xét riêng một tiêu chí này thôi thì nhiều BV tuyến trung ương (TƯ) như BV Bạch Mai, BV K, BV Phụ sản TƯ… cũng khó lòng mà đạt được. Hiện nay, đến nhiều bệnh nhân điều trị nội trú tại các BV tuyến TƯ này vẫn phải nằm ghép, nằm vạ vật ở hành lang… thì việc người bệnh được đón tiếp đúng như tiêu chí đưa ra đâu có thể thực hiện ngay trong “một sớm, một chiều”.


Hay như tiêu chí về giường bệnh, nếu muốn được xếp ở mức 3, các BV phải đảm bảo tiêu chí: “Mỗi bệnh nhân nằm 1 giường bệnh, có giường ưu tiên cho người cao tuổi và các đối tượng đặc biệt cần ưu tiên…”. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn đang diễn ra ở nhiều BV, nhất là các BV chuyên khoa tuyến TƯ như ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi, tim mạch, phụ sản. Hàng chục năm nay, ngành y tế luôn nỗ lực khắc phục tình trạng quá tải BV nhưng đến nay, vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Do đó, nhiều BV tuyến TƯ xem ra còn lâu lắm mới đạt được tiêu chí “mỗi người bệnh được nằm 1 giường” như BTC nêu ra. Không đạt được tiêu chí, đương nhiên số điểm của BV sẽ bị thấp và “thương hiệu” của các BV có thể sẽ bị ảnh hưởng.


Một đại diện của BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Tôi rất băn khoăn về tiêu chí đảm bảo và duy trì ổn định số lượng nhân lực BV. Như tại BV Tuyên Quang, thời gian qua, lãnh đạo BV cũng rất cố gắng để tuyển thêm cán bộ với nhiều ưu đãi đi kèm nhưng số cán bộ đi thì nhiều mà người về thì ít, đó là chưa nói đến khả năng làm việc của 3 cán bộ về không bằng một cán bộ đi. Vì vậy, đảm bảo và duy trì ổn định số lượng nhân lực BV đối với nhiều BV, nhất là vùng sâu, vùng xa quả là một tiêu chí rất khó khăn”.


Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV gồm 5 phần với 83 tiêu chí lớn, trong đó có 19 tiêu chí liên quan người bệnh, 14 tiêu chí hướng về phát triển nguồn nhân lực, 38 tiêu chí về chất lượng chuyên môn, 8 tiêu chí về cải tiến chất lượng và 4 tiêu chí đặc thù chuyên khoa. Các BV sẽ được đánh giá từ mức 1 đến mức 5 (mức 5 là mức xếp hạng cao nhất, tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế).

Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội) cho rằng: Tiêu chí Khoa Dược tại các BV cần có hệ thống vận chuyển thuốc tự động là chưa khả thi, vì ở Việt Nam, việc chuyển thuốc tại nhiều BV vẫn phải thực hiện thủ công.


“Đưa ra các tiêu chí để BV nhìn vào và phấn đấu thì rất tốt. Tuy nhiên, tiêu chí cũng phải thực tế để các BV có thể với tới được. Nếu tiêu chí xa vời quá, muốn “với” mà lực bất tòng tâm thì các BV cũng nản”, ông Nguyễn Tiến Quyết khẳng định.


Nhưng sẽ đánh giá thực chất hơn


Trái ngược với tâm lý băn khoăn của nhiều cán bộ y tế, nhiều người dân tỏ ra rất hưởng ứng với BTC mới, dù rằng họ chưa thực sự hiểu rõ cách đánh giá mới của ngành y tế sẽ như thế nào. Chị Nguyễn Thị Hà, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Từ các sự cố nghiêm trọng xảy ra trong năm 2013 cho thấy, cách đánh giá BV của ngành y tế lâu nay rất hình thức. Ví như BV Đa khoa huyện Hoài Đức, nơi xảy ra vụ nhân bản xét nghiệm trong một thời gian dài, nhưng qua phương tiện thông tin tôi được biết, BV này không hề bị đánh tụt hạng khi xếp hạng chất lượng BV hàng năm. Vậy nên, việc đưa ra BTC là cần thiết vì ngành y cần có một công cụ đánh giá mới thực chất hơn, tránh tình trạng BV đầy “ung nhọt” nhưng cũng đạt danh hiệu BV xuất sắc”.
Theo một lãnh đạo của Cục Quản lý khám chữa bệnh: “Mục đích của chúng tôi không phải đánh giá xong thì các BV đều được xếp mức 5/5, như vậy không còn cơ hội cải tiến nữa; mà các BV cần áp BTC để xác định đúng thực trạng, từ đó triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng. Bởi vậy, từ 2013 - 2015, ngành y tế không chủ trương xếp loại chất lượng BV là “đạt” hay không “đạt”.


Sau khi triển khai đánh giá theo BTC, Bộ Y tế sẽ lấy ý kiến của các sở y tế, BV để tiếp tục bổ sung, cải tiến bộ tiêu chí này. Dự kiến từ năm 2016 trở đi, mới tiến hành xếp loại BV hàng năm. Như vậy, việc đánh giá chất lượng BV theo BTC mới sẽ thúc đẩy các BV từng bước cải tiến chất lượng dịch vụ y tế nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cao nhất có thể cho người bệnh.

 

Phương Liên - Lê Hảo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN