Như đã thành thông lệ nhiều năm nay, vào mùng 4 Tết nguyên đán hàng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống lại được tỉnh Đắk Lắk tổ chức tại huyện Krông Ana. Đây không chỉ là giải thi đấu thể thao mà còn là nét đẹp văn hóa đặc trưng của bà con nơi đây.
Lễ hội đua thuyền ở Đắk Lắk. Ảnh: Internet |
Sau ngày đất nước giải phóng, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, người dân nhiều tỉnh thành miền xuôi đã lên Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Bà con ở vùng biển Quảng Nam đã chọn huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk làm nơi xây dựng cuộc sống mới. Huyện Krông Ana có hai con sông chính chảy qua là Krông Ana và Krông Nô, bồi đắp nên vùng châu thổ màu mỡ.
Ở quê hương mới, người dân xứ Quảng vẫn gắn bó với dòng sông, cây lúa như khi còn ở quê cũ. Vì vậy, khi nông nhàn, bà con ở các xã Quảng Điền, Bình Hòa thường tổ chức đua thuyền trên cánh đồng nước mênh mông vừa để giao lưu, rèn luyện sức khỏe; vừa cầu thần linh phù hộ cho dân làng bình an, mùa màng tươi tốt. Gần 30 năm xây dựng cuộc sống trên quê hương mới là từng đó năm bà con tổ chức hội đua thuyền.
Ông Nguyễn Xuân An, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Ana, cho biết: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Krông Ana là một nét đẹp văn hóa truyền thống của bà con Quảng Nam mang theo từ quê hương lên đây khi đi xây dựng kinh tế mới. Nó giúp bà con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, yên tâm sản xuất và làm giàu trên quê hương mới.
Trước đây, bà con đua bằng ghe, thuyền phục vụ sản xuất cho đỡ nhớ quê hương. Nhưng từ năm 2006, hội đua thuyền trên sông Krông Ana được UBND tỉnh công nhận là lễ hội văn hóa - thể thao của tỉnh nên các đội đua chuẩn bị rất bài bản cho ngày hội. Hội đua thuyền năm nay có tới 32 đội ở các xã trong huyện đăng kí tham gia.
Quảng Điền là xã có 100% dân số là đồng bào quê Quảng Nam , Quảng Ngãi sinh sống. Xã có 5 thôn thì có 17 đội đua thuyền, trong đó riêng thôn 1 có tới 6 đội. Để chuẩn bị cho lễ hội, người dân đã náo nức chuẩn bị trước cả tháng trời. Thường vào đầu tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), các đội đua bắt đầu chuẩn bị sơn sửa, vẽ trang trí lại thuyền đua và tổ chức tập luyện trên sông. Nếu phải đóng lại thuyền mới thì phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó.
Đua thuyền truyền thống đã trở thành nét văn hóa đặc sắc ở Đắk Lắk. Ảnh: Internet. |
Theo một số vị cao niên ở xã Quảng Điền, thuyền đua được chuẩn bị rất công phu và mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Gỗ đóng thuyền thường là gỗ sao xanh hoặc lõi của gỗ mít rừng. Hầu hết các công đoạn trong đóng thuyền như lên rừng lấy gỗ, xẻ ván, đóng, trang trí, hạ thủy đều phải thực hiện lễ cúng. Đặc biệt, khi đóng thuyền đua, người phụ nữ tuyệt đối không được sờ vào ván để đóng thuyền.
Thuyền có chiều dài khoảng 15m, mạn được trang trí hình rồng hoặc cá, có chiếc được vẽ đầu rồng đuôi cá, ý là "cá vượt vũ môn" h óa rồng, thể hiện ý chí vươn lên của ngư dân vùng sông nước . Các hình vẽ nhìn vào trông thật sinh động, đẹp mắt, tràn đầy sinh khí (duy chỉ có con ngươi của mắt là không được vẽ ngay lúc ấy mà cần vẽ ở một thời điểm thích hợp bởi con mắt là nơi biểu thị thần khí).
Hiện nay, để đóng được một chiếc thuyền đua, ngoài công bỏ ra, các đội cũng phải tốn thêm khoảng 50 triệu đồng. Song song với việc đóng thuyền, việc chuẩn bị lực lượng cho thuyền đua cũng được ưu tiên không kém. Các tay chèo được chọn thường là những chàng trai khỏe mạnh, dẻo dai, có kinh nghiệm về sông nước.
Trong thời gian này, đâu đâu người dân trong huyện cũng bàn tán sôi nổi về chuyện thuyền đua. Bà con trong các làng, xã tự nguyện, tùy tâm góp kinh phí để bổ sung thêm quỹ chung. Người ủng hộ tiền, người góp tiền để bồi dưỡng cho các tay chèo. Sau khi đã hội đủ nhân tài, vật lực, công việc chuẩn bị được tiến hành một cách khẩn trương.
Ông Lê Văn Kiên, Phó Chủ tịch xã Quảng Điền tự hào cho hay, hội đua thuyền là dịp để bà con biểu dương tình đoàn kết, yêu thương nhau. Nhờ có lễ hội này mà tình hình an ninh trật tự ở địa phương trong những ngày xuân luôn được đảm bảo. Ai ai cũng bảo nhau hạn chế rượu bia để tập trung cho ngày hội.
Bước vào những cuộc tranh tài, trong tiếng hò reo cổ vũ của người dân địa phương và du khách thập phương, các thuyền đua xé nước lao đi trong tiếng trống liên hồi giục giã. Các tay đua cố đưa thuyền của mình rẽ nước, tiến nhanh về phía trước. Theo quan niệm của người dân, những thuyền nào về trước, về sau sẽ dự báo cho một năm mới được mùa, xóm làng bình yên, mưa thuận gió hòa...
Giá trị vật chất từ phần thưởng của hội đua thuyền không lớn, nhưng thật sự là niềm tự hào của những thôn, xóm có thuyền được giải. Hơn nữa, trong niềm hân hoan của những ngày đầu Xuân thì dù thuyền đua có đoạt giải hay không, làng nào cũng tổ chức liên hoan ăn mừng, mừng ngày hội lớn của quê hương và chiếc thuyền bơi của làng được dân làng nâng niu cất giữ cẩn thận.
Cụ Lê Tánh, năm nay đã ngoài 70 tuổi - người mang đội đua thuyền truyền thống từ Quảng Nam lên cao nguyên Đắk Lắk, tâm sự: Lễ hội đua thuyền đã gắn bó máu thịt với người dân Quảng Nam từ lâu, đối với những người dân xa quê hương, lập nghiệp nơi vùng quê mới, nếu hàng năm không tổ chức lễ hội đua thuyền thì nhớ quê hương lắm.
Trong không khí ấm áp những ngày đầu Xuân, hàng nghìn người từ các nơi trong và ngoài tỉnh đã không quản ngại xa xôi về tham dự, thưởng thức lễ hội đua thuyền một cách hứng thú. Nhiều người cho biết, họ từng nhiều lần đến với lễ hội đua thuyền, nhưng luôn cảm thấy hết sức hào hứng và mong muốn lễ hội này sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển để tạo thêm bức tranh sinh động, giàu bản sắc văn hóa ở mảnh đất Krông Ana.
Anh Dũng