Thực tế này đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ tăng cường thực hiện các giải pháp, mà còn phải phối hợp đồng bộ với các địa phương giáp ranh để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép.
Bài 1: Vi phạm gia tăng, khó khăn trong xử lý
Nhu cầu sử dụng cát san lấp, cát xây dựng ở các công trình ngày càng cao, kéo theo đó là tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra ngày càng nhiều với các phương thức hoạt động tinh vi, sẵn sàng hủy tang vật hoặc bỏ trốn khi bị phát hiện.
Khai thác cát trái phép ngày càng gia tăng
Ngày 7/4 vừa qua, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, tổ công tác của Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Cần Thạnh, huyện Cần Giờ phát hiện bốn phương tiện đang khai thác cát trái phép. Vào thời điểm bị kiểm tra, bốn sà lan đang chứa tổng cộng khoảng 800 m3 cát và được trang bị hàng chục máy hút cát với công suất lớn, có thể khai thác trên 100 m3 cát mỗi giờ. Chủ các phương tiện không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát cũng như giấy tờ liên quan đến hàng hóa, phương tiện, người điều khiển phương tiện theo quy định.
Trước đó, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 19/2, trong quá trình tuần tra, tổ công tác Đồn Biên phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ, phát hiện hai sà lan có hành vi khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ. Khi phát hiện tổ công tác, hai phương tiện trên lập tức dừng hoạt động khai thác cát trái phép và tìm cách trốn chạy, nhưng đã bị lực lượng Biên phòng chặn lại. Tại thời điểm kiểm tra, trên hai sà lan chứa khoảng 500 m3 cát, hai thuyền trưởng điều khiển sà lan không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa trên phương tiện và của người điều khiển phương tiện.
Đặc điểm dễ nhận thấy của các trường hợp vi phạm là diễn ra vào buổi chiều tối, các đối tượng vi phạm khi bị phát hiện thường tìm cách phi tang tang vật và bỏ trốn. Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Cần Giờ trong thời gian qua đã ở mức báo động, các đối tượng liều lĩnh tổ chức khai thác có quy mô, diễn ra rầm rộ, nhất là vào ban đêm với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, không chỉ gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sụt lún đất, mà còn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Tại địa phương, trong giai đoạn 2015-2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép, riêng trong quý I năm 2019 đã phát hiện và xử lý 6 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép với tổng số tiền trên 157 triệu đồng.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, ở khu vực các tuyến sông, tình trạng khai thác cát trái phép thời gian qua thường xảy ra vào ban đêm, nhất là tại khu vực sông Sài Gòn đoạn giáp ranh giữa huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương, trên sông Đồng Nai khu vực giáp ranh giữa Quận 9 và tỉnh Đồng Nai. Ở vùng biển Cần Giờ, khu vực diễn ra hoạt động khai thác cát trái phép là nơi giáp ranh vùng biển Cần Giờ, khu vực cồn Tây Sương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cồn Ngựa, tỉnh Tiền Giang. Kết quả xử lý vi phạm cho thấy tính chất, quy mô vi phạm ngày càng phức tạp và có xu thế tăng dần qua các năm. Năm 2015, các cơ quan chức năng xử lý 17 vụ, năm 2016 số vụ vi phạm bị xử phạt tăng lên 38 vụ, năm 2017 xử phạt 62 vụ, năm 2018 xử phạt lên đến 121 vụ với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Các trường hợp vi phạm chủ yếu xảy ra trên địa bàn Quận 9, huyện Củ Chi và Cần Giờ.
Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm
Theo ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, công tác phát hiện, xử lý khai thác cát trái phép gặp khó khăn vì theo quy định pháp lý, tịch thu tang vật đối với hành vi khai thác cát trái phép phải từ 50 m3 trở lên, nên khi bị phát hiện các đối tượng thường điều khiển phương tiện bỏ chạy, xả cát xuống biển nhằm tẩu tán để tránh bị tịch thu tang vật. Việc tiếp cận và xử lý các trường hợp vi phạm cũng gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, nhất là vào ban đêm, sóng to gió lớn, đối tượng vi phạm thường bỏ chạy ngay khi bị phát hiện nên việc truy bắt rất khó khăn, nguy hiểm.
Khu vực diễn ra hoạt động khai thác cát trái phép là nơi giáp ranh vùng biển Cần Giờ, cồn Tây Sương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cồn Ngựa, tỉnh Tiền Giang nên khi gặp lực lượng tuần tra, các đối tượng thường nhanh chóng chạy qua địa bàn giáp ranh và thông báo cho các phương tiện xung quanh bỏ chạy. Phương tiện hoạt động trên biển của các Đồn Biên phòng Long Hòa, Cần Thạnh, Thạnh An và Công an huyện Cần Giờ chưa được trang bị đầy đủ, ca nô của các đơn vị có công suất từ 85-350 CV chỉ hoạt động hiệu quả ở sông và vùng nước ven bờ, không chịu được sóng to gió lớn trên biển trong khi phương tiện khai thác cát trái phép có công suất từ 1.000 - 1.200 CV có thể hoạt động ở khu vực xa bờ. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng ở địa phương giáp ranh chưa được chặt chẽ, thống nhất, các đối tượng thường neo đậu phương tiện tại cảng Sao Mai, Phú Mỹ, Cái Mép của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sang vùng biển Cần Giờ khai thác rồi vận chuyển về tiêu thụ tại các dự án san lấp lớn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Quận 9.
Chia sẻ thêm về khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, ông Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công tác xử lý tình trạng khai thác cát trái phép gặp nhiều khó khăn do các đối tượng rất liều lĩnh, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng hoặc đánh chìm phương tiện, tang vật vi phạm để trốn tránh trách nhiệm và bỏ trốn. Cùng với đó, các đối tượng vi phạm là người làm thuê hoặc sử dụng phương tiện thuê của người khác, nên cũng gặp khó khăn trong xử lý phương tiện, tang vật. Việc sử dụng các phương tiện của đơn vị được trang bị trong tổ chức triển khai lực lượng mật phục, bắt giữ hiệu quả không cao, chủ yếu sử dụng phương tiện thuê của dân để ngụy trang nên không chủ động, độ an toàn không cao khi gặp thời tiết xấu.
Trước tình trạng khai thác cát trái phép ngày càng gia tăng trong khi việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực hiện những giải pháp hiệu quả để đảm bảo an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường nước cũng như sụt lún bờ sông, bờ biển.
Bài 2-Chủ động phối hợp đồng bộ giữa các địa phương