Xử lý nghiêm tình trạng 'tận diệt' chim hoang dã

Thừa Thiên - Huế từ lâu đã là nơi trú ngụ của các loài chim bản địa và chim di cư quý hiếm. Tỉnh đã và đang làm nhiều việc thiết thực để bảo vệ chim hoang dã, nỗ lực nghiên cứu, khôi phục các khu tràm chim. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng giăng bẫy săn bắt, tận diệt và mua bán các loại chim hoang dã lại tái diễn, nhất là vào mùa chim hoang dã di cư.

Chú thích ảnh
Tiến hành tái thả chim về môi trường tự nhiên. Ảnh: TTXVN phát

Từ cuối tháng 9/2024 đến nay, Kiểm lâm huyện Phú Lộc phối hợp chính quyền các xã Lộc An, Lộc Trì, Lộc Sơn, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô ra quân kiểm tra, truy quét, tiêu hủy phương tiện, dụng cụ bẫy chim trái phép. Trên những cánh đồng, vùng nước dọc đầm phá Tam Giang, lực lượng chức năng phát hiện, tháo gỡ tiêu hủy hàng nghìn mô hình cò giả, lưới, que dính nhựa và tái thả về môi trường tự nhiên hàng chục cá thể chim. 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn Lại Đình Đen, thời gian qua, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định về cấm săn bắn, bắt, bẫy và buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã, chim di cư bằng nhiều hình thức như qua hệ thống loa truyền thanh, nhóm Zalo của Công an xã… Lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, truy quét và xử lý nên tình trạng này giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, một bộ phận người dân ý thức chưa cao nên nạn săn bắt chim hoang dã vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để.

Huyện Phú Lộc có diện tích trải dài cùng hệ sinh thái khá phong phú với những đầm phá, ao hồ, rừng và ruộng lúa…, thuận lợi cho các loài chim trú ngụ và di cư. Vì vậy, vấn nạn săn bắt, giăng bẫy chim trời diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị tổ chức 17 đợt ra quân, tháo gỡ, thu gom, tiêu hủy hơn 21.000 mô hình cò giả, que dính nhựa, lưới, bẫy kẹp chim trời, đặc biệt thả về môi trường tự nhiên 255 cá thể chim, chủ yếu là cò. 

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc Phan Viết Phúc cho biết, để ngăn chặn tình trạng “tận diệt” chim hoang dã, thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm địa phương tiếp tục phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra, thu hồi triệt để phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép; triệt phá tụ điểm săn bắt, bẫy, mua bán, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ chim trời, quyết liệt xử lý trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm địa bàn tăng cường tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức...

Vào khoảng tháng 9 - 10 hằng năm, nhiều loài chim thường di cư đến các lùm cây, bụi rậm ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, rừng ngập mặn, cánh đồng trú ngụ, tìm kiếm thức ăn. Đây cũng là lúc tình trạng săn bắt, mua bán, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quần thể chim di cư  cũng như đa dạng sinh học. Mặc dù lực lượng chức năng liên tục tuần tra, truy quét và xử lý nhưng nhiều đối tượng vẫn tổ chức giăng bẫy săn bắt, tận diệt các loại chim trời. Đáng chú ý, các đối tượng lén lút giăng bẫy vào đêm khuya khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý. Nhiều đối tượng bỏ chạy nên khó bắt giữ để xử lý vi phạm.

Từ năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, bảo vệ các loài chim trời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng, các loài chim. Tỉnh từng bước xây dựng Huế trở thành đô thị với những lâm viên xanh, là nơi trú ngụ an toàn của các loài chim thú, tạo sức hấp dẫn cho du khách và cộng đồng.

UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Mức xử phạt cao nhất cho hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái quy định từ 5 - 400 triệu đồng. Đồng thời nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời.

Tường Vi (TTXVN)
Nghệ An: Báo động tái diễn nạn săn bắt, bẫy chim hoang dã, chim di cư
Nghệ An: Báo động tái diễn nạn săn bắt, bẫy chim hoang dã, chim di cư

Gần một tháng qua, lợi dụng thời điểm các loài chim hoang dã, di cư theo mùa như cò, vạc, én… bay về trú ngụ, tìm kiếm thức ăn trong mùa mưa bão, tại nhiều xã trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An), người dân lại ồ ạt đi giăng lưới để bẫy bắt chim trời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN