Xôi năm ngàn xếp hàng phố Trần Hưng Đạo

Làm một động tác tìm kiếm trên mạng, cái tên được nhắc tới nhiều nhất ở đoạn phố mang đầu số 7 ấy là hàng chè thập cẩm 72 Trần Hưng Đạo, cũ kỹ thì cũng cũ kỹ lắm rồi, gắn với khối kỷ niệm buồn vui tuổi lớn, tuổi nhỏ. Cái hàng chè giờ “chòi” thêm bán cả bánh mì thịt quay.

Tìm kiếm rộng ra thì ẩm thực phố Trần Hưng Đạo, con phố nhiều sấu cũng bậc nhất nhì Hà Nội, lại là những quán sang, quán lớn. Và có nhắc tới xôi, lại là hàng xôi trắng chả, thịt, ba tê, trứng… nổi tiếng đoạn phố Trần Hưng Đạo cắt Phan Chu Trinh, là xôi nếp Hải Hậu.

Mỗi ngày, chủ hàng xôi nấu hơn 20 kg gạo mà luôn hết hàng.


Vậy thì cái hàng xôi Phú Thượng dấp dính giữa số 73 và 75 mà tôi muốn nói tới, nó nằm ở đâu trong "định vị" ẩm thực đất Hà Thành, trong cái ngổn ngang giờ nơi đâu cũng dễ thấy một thúng xôi to cũ kỹ màu thời gian, cũng vỉ đậy nghi ngút khói mở ra và trưng biển xôi Phú Thượng như ai?

Có một nơi để nó nằm, thầm kín thôi, nhưng mà sâu lắm nhé, sâu thăm thẳm luôn: Trong "thói quen" của những người dân phố, trong thói quen của những người đã một lần đặt chân, bất ngờ rồi đến mê và nghiện cái món xôi này.

Nghiện, vì hai lẽ. Ngon và rẻ. Nghiện còn vì một lý do tưởng rất vô lý nữa, nhưng lại có lý vô cùng: Mua xôi ở đây thường phải xếp hàng. Hàng không đến nỗi dài đâu, khoảng chục người thôi, nhưng rất là trật tự, rất là tuần tự, rất là nhẩn nha, nên ai vội, ai quen với thói công nghiệp "tiền- xôi păm pắp" thì sẽ thấy sốt ruột đấy.

Tinh mơ sớm, khi nắng còn chưa kịp le lói tí nào trên con phố thăm thẳm cây vắng hiu hắt bất ngờ vào giờ này, là lúc hai vợ chồng ấy dừng xe trên vỉa hè nhà giữa 75 và 73. Những thúng xôi to tướng được khuân xuống, cái cánh cửa sắt nho nhỏ, chắc được gọi là cửa sau của căn nhà 73, cũng được mở ra. Ghế nhựa cho vợ, ghế gỗ cho chồng, cái bàn nho nhỏ đựng các “phụ liệu” xôi, bao gồm lọ hành khô tự phi vàng suộm, thơm lừng; túi đậu xanh gia giảm cho xôi xéo, xôi ngô giã dối vẫn còn cảm nhận nguyên vị đậu, cùng cái bùi bùi hơi lạo xạo trong miệng khi ăn, khác hẳn cái đậu tơi nhuyễn của những hàng khác; túi ruốc cũng do “gia chủ” tự làm.

Cùng lọ vừng cũng tự rang, thường bị khách xin thêm khi mua xôi nên ngày nào cũng hết tận đáy. Và thế, 6 giờ là muộn nhất, bà chủ tóc búi cao, tai đeo khuyên tròn có nét chân chất vùng quê, mà lại cũng có nét săng sắc của người buôn bán, bắt đầu đeo hai cái bao tay che áo cho khỏi bẩn, sẵn sàng thoăn thoắt gói xôi. Không có cảm giác nhanh trong mỗi cử chỉ, hành động của cặp vợ chồng bán xôi trung tuổi này; dù họ vẫn rất nhịp nhàng, thoăn thoắt, không sai bao giờ trong mỗi “yêu cầu” của khách, dù là yêu cầu mua… nửa suất xôi, tức khoảng 3.000 đồng.

Vâng, chả thấy đâu có cái giá lửng lơ như hàng xôi này. Khách xếp hàng, đến lượt réo lên: “Một xéo năm nghìn, nửa lạc ba nghìn”, hoặc giả là: “Bảy nghìn xôi lạc ruốc nhé”. Hãn hữu lắm mới có người mua đến 10.000 đồng. 15.000 đồng thì gói ấy ít nhất 2 người ăn mới xuể, đó là đã cộng thêm ruốc rồi đó. Xôi ở đâu mua cho ra cái giá này bây giờ trên đất Hà Thành, khi xôi Yến chỉ xôi không cũng đã 20.000 - 25.000 đồng/hộp, hàng xôi Phú Thượng khác cũng chừng 10.000 đồng mới bán và cũng chỉ được nhúm xôi nho nhỏ mà thôi. Thế mà ở đây, toàn tính bằng tiền lẻ. Có người đàn ông trung trung tuổi, chắc khách quen, hỏi chuyện vợ chồng bán xôi liên tục: “Sao hôm trước nghỉ, làm tôi ra tìm mãi”, ông chủ ngỏn nghoẻn: “Nhà em có việc nghỉ mất hai hôm”. “Lần sau nghỉ phải thông báo chứ, làm người ta ra đến nơi lại chưng hửng ra về”- người đàn ông lại trách rất thân mật. Rồi rằng: “Cho 5.000 xôi nhé”. Bà chủ lật giở cái vỉ đậy, nhúm một nắm xôi, chắc đồ chừng cũng bằng nơi khác 10.000 đồng, chuyển sang cho phía chồng. Ông chồng vẩy vào một thìa muối vừng, gói lại rồi cho túi nilon, chuyển cho khách, không quên kèm một nụ cười rất thân thiện. Ông khách, tay cầm túi xôi nhỏ xíu, tung tẩy đi bộ ra hướng phố Quang Trung…

Đấy, khách ở hàng xôi này toàn những khách quen, khách thân kiểu thế. Khách mà có khi không cần gọi, ông bà chủ cũng biết họ định ăn gì, thành lệ ngày nào cũng thế rồi. Khách mà chỉ cần rút những tờ tiền lẻ thôi, năm ngàn, ba ngàn, ngày nào nhiều mới 10.000 đồng là ăn sang có ruốc. Bữa sáng thế, thêm chén nước chè, rẻ hều. Rẻ hều nên mới thành đông, thành quen, thành nổi tiếng suốt cả con phố Trần Hưng Đạo và các khu lân cận là ít.

Rẻ thì được rồi, nhưng rẻ mà không ngon thì cũng vứt. Dân phố thế thôi, chứ ăn thì sành mồm kinh người. Thế nên mới nói đến cái được thứ hai của hàng xôi năm ngàn xếp hàng này là độ ngon. Như một bà khách đã “giảng giải” cho tôi, vị khách bị coi là “lạ mặt”: Xôi nhà này ngon lắm, dẻo mà thơm, để đến trưa vẫn dẻo, không bị khô. Đúng là thế thật, ăn rồi mới thấy, những hạt xôi mây mẩy, hạt nào vẫn ra hạt ấy, đẹp long lanh như hạt ngọc, nhưng mà lại có độ kết dính tới đáng yêu, dẻo thơm, để đến tận chiều, chỉ cần cho vào lò vi sóng quay lại, lại mềm ngon như thường; không giống nhiều hàng xôi, mới mua thì dẻo, để một lúc là hạt cứng lại, trơ khấc ra, ăn vô duyên vô cùng. Xôi ở đây có đủ 6 loại, ông chủ khi kể cứ là phải giơ ngón tay ra đếm rất là thành thạo: Một là lạc, hai là đỗ xanh, ba là đỗ đen, bốn là xôi gấc, năm là xôi xéo và sáu là xôi ngô. Xôi đỗ xanh, đỗ tơi trộn với gạo, ăn không bị cảm giác gạo ra gạo, đỗ ra đỗ như nhiều hàng. Xôi xéo dẻo thơm, hành đỗ đều tự làm, đều thể hiện sự chăm chút, tỉ mẩn của người chủ. Xôi ngô thì khỏi nói, ăn nhiều hàng rồi, vẫn thấy xôi ngô ở đây là ngon nhất, hạt ngô dẻo, dính với vài hạt xôi, ăn bùi bùi, nhai một hạt lại muốn ăn thêm hạt nữa. Chậc, nói đến lại thấy nước miếng tứa chân răng vì thèm.

Bà chủ hàng xôi bảo: “Xôi của em chả ngày nào không ngon (bà vẫn quen cái thói xưng em đáng yêu thế, dù khách trẻ hay già), làm cái gì cũng phải nghĩ tới chất lượng, uy tín, nấu xôi như nấu cho nhà mình ăn, có thế mới làm vừa lòng khách, mà mình cũng không phải áy náy”. Có cái “quan điểm”quán triệt ấy, nên đúng là 10 ngày như 10 “ngon đều chằn chặn”, chưa bao giờ hàng xôi này làm khách không hài lòng. Nên đúng 10 ngày như 10, khách lại tới đây làm gói xôi mang về nhà, hoặc mang tới cơ quan, ăn sáng. Đổi món xôi thì có, chứ không đổi hàng mà cũng không đổi loại đồ ăn sáng này. Làm được thế, cũng có dễ đâu. Như đã bảo, khách phố, không phải dễ mà làm họ hài lòng và giữ họ với mình được. Là cả một trời bí quyết của sự chân thành, hết lòng, của cả sự lãi ít, “lấy công làm lãi” mà phục vụ khách.

Mỗi ngày bà chủ hàng xôi nấu chừng 20 kg gạo, không nhiều hơn dù khách có thể đông hơn vì “có tuổi rồi”. Cứ 2 giờ sáng là dậy nổi lửa, rồi sắp xếp đồ, 5 giờ 10 phút lên xe và lên phố. Từ căn nhà dưới Phú Thượng lên tới Trần Hưng Đạo cũng gần tiếng đồng hồ chứ ít gì, gần 20 cây số lận. Nhưng ngày nắng, ngày mưa cũng không bao giờ muộn. Lên đến nơi là cặm cụi với xôi, với khách, rồi chỉ chừng 8 giờ, muộn nhất 8 giờ 30 là đã sạch thúng rồi, khách đến muộn là lỡ bữa. Bán xong, lại chằng thúng chằng túi, lên đường về nhà; chuẩn bị cho một ngày mai… Thế thôi mà thấm thoắt cũng hơn hai chục năm rồi (từ những năm 1990), từ khi tuổi mới chừng ngoài 30 cả bà chủ tên Xuân lẫn ông chủ tên Phú, mà giờ đã chạm đến tuổi 60 rồi đấy. Hơn hai chục năm bám phố Trần Hưng Đạo, ban đầu là số 75, nay là số 73, vẫn chỉ là ngồi cổng, mà cổng biệt thự sang cả đấy, nhưng được cái toàn chủ nhà tốt bụng, nên chả lấy một đồng tiền thuê nào, cho ngồi nhờ vì thương cái chân chất, hiền lành, chăm chỉ lấy công làm lãi của hai vợ chồng.

Và lại cũng hơn hai chục năm nay, bà chủ ngoài xôi có “sáng kiến” thêm cái món nước đậu đen đóng chai, 3.000 đồng/ chai Lavie cỡ vừa, ngon thơm lắm.

Món nước ấy, nếu không đến trước 7 giờ 30, là nguy cơ cũng không được uống. Bà chủ bảo đó là món giải nhiệt, các bác mua uống kèm khi ăn xôi cho mát. Ờ, dù xôi ngon nhưng ăn cũng dễ “bứ”, thêm cái thứ nước thơm thơm, thoang thoảng, man mát này, quả là bữa sáng một ngày hanh hao hay rét lạnh đều thấy mãn cả lòng.

Đôi khi, chỉ cần thế cho sự bắt đầu nhẩn nha của một ngày dài mải mốt!

Bài và ảnh: T.Anh

1
Độc đáo xôi ngũ sắc
Độc đáo xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng không thể thiếu của hầu hết đồng bào dân tộc vùng Đông Bắc trong các dịp lễ tết, lễ hội văn hóa truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN