Mường Lò, mảnh đất miền Tây tỉnh Yên Bái vốn nổi tiếng với những điệu xòe, với những câu hát giao duyên trên sàn hạn khuống… Nhưng cũng có một Mường Lò nổi tiếng với câu ca “Muốn ăn cơm trắng cá ngon/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”.
Không chỉ có cơm trắng, cá ngon, Mường Lò còn nổi tiếng với những món đặc sản dân dã như rêu đá, măng rừng, cá sỉnh nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc… Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo quánh, béo ngậy do chính tay người Thái làm, chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này.
Mâm xôi ngũ sắc lớn nhất Việt Nam. |
Ngày bé, mỗi dịp lễ Tết của người Thái như Tết rằm Síp Xí (14/7), Tết Nguyên đán... là bà nội tôi vẫn thường làm mâm xôi ngũ sắc, vừa để cúng tổ tiên, vừa để đãi khách. Những ngày này, tôi thường theo bà đi hái lá, đào củ về nhuộm gạo, chính vì vậy mà đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cách bà tạo màu và đồ xôi ngũ sắc.
Việc đầu tiên là chọn gạo. Với bà, gạo để đồ xôi nhất định phải là gạo nếp Tú Lệ (còn gọi là nếp Tan Lả - theo tiếng của người Thái) - loại gạo nếp đặc sản vừa thơm, vừa dẻo chỉ có ở thung lũng lòng chảo Mường Lò quê tôi. Rồi bà thường bắt bố hoặc chú tôi mang can đi lấy nước suối ở Tú Lệ về đồ. Theo bà, nếp Tú Lệ phải được đồ với nước suối Mường Lùng thì xôi mới ngon.
Sau khi chọn gạo xong, đến công đoạn tạo màu cho xôi. Mâm xôi của bà bao giờ cũng có đủ 5 màu gồm đỏ, vàng, trắng, xanh và tím. Ngoài màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ, tím, vàng đều được làm từ củ, lá cây rừng. Công đoạn tạo màu cho xôi rất quan trọng và cũng rất cầu kỳ.
Để có được xôi màu đỏ, bà dùng lá cơm nếp đỏ đun sôi, ngâm khoảng 30 phút cho màu thôi ra nước, sau đó đổ gạo vào ngâm. Với màu tím thì bà dùng lá cơm nếp đen, màu vàng được chế từ nước củ nghệ già. Đối với xôi màu xanh, bà có nhiều cách để làm, khi thì bà dùng lá gừng hay lá cơm xôi xanh, nhưng cũng có khi bà làm cầu kỳ hơn, dùng tro của rơm nếp trộn lẫn với lá cơm đen giã nhỏ để tạo ra màu xanh tươi, đẹp. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt để ráo nước, sau đó đem đồ xôi.
Bà tôi không bao giờ đồ xôi bằng nồi nhôm, mà dùng Mỏ Lửng - Tay Lung, chõ xôi truyền thống của đồng bào Thái để đồ. Chõ xôi làm từ thân cây cọ hoặc gỗ thơm, được gọt đẽo để thủng hai đầu, đầu to để đậy vung, đầu bé cài bằng phên đan bằng tre, hoặc nứa, rồi đổ gạo vào chõ, đặt lên trên nồi đồ. Quá trình đồ xôi phải giữ lửa cháy đều, đượm than, có thế xôi mới chín dẻo, thơm đậm, cầm, nắm mà vẫn không bị dính tay.
Sau việc đi lấy lá, đun lá để ngâm gạo tạo màu, tôi lại háo hức chờ xôi chín, để được xem bà trang trí mâm xôi ngũ sắc. Bà vẫn thường nhắc, biết làm xôi rồi thì phải biết trình bày mâm xôi cho đẹp mắt. Cách trang trí mâm xôi cũng tùy thuộc vào ý thích của bà. Mâm xôi ngũ sắc bà thường bày nhiều nhất là mâm xôi hình hoa ban 5 cánh, mỗi cánh ban là một màu khác nhau. Nhưng cũng có khi, bà lại thử cách trình bày mới, khi thì theo hình ruộng bậc thang, khi thì theo hình tháp hoa… Hỏi ý nghĩa của các màu trong mâm xôi ngũ sắc, bà giải thích: Mỗi màu xôi mang một ý nghĩa khác nhau, theo thuyết âm dương ngũ hành, đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thủy chung, lòng yêu mẹ kính cha của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc. Cơm xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng sống, cho những ước mơ. Cơm xôi màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá. Cơm xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ và phồn thịnh. Cơm xôi màu xanh tượng trưng cho màu của núi rừng đại ngàn Tây Bắc, màu của bầu trời xanh bao la. Cơm xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thủy chung… Cách trình bày 5 màu xôi trên một mâm xôi có hình cánh hoa ban còn thể hiện tình yêu thương, lòng tôn kính đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên…
Sau khi trình bày xong, cùng với những món ăn khác, mâm xôi ngũ sắc được bà kính cẩn đặt lên bàn cúng tổ tiên, rồi sau đó mới mang xuống để mọi người cùng thưởng thức. Xôi ngũ sắc thường ăn với chả thịt nướng, khi ăn với ruốc, thậm chí chỉ ăn không thôi thì cũng đã vô cùng thơm ngon. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhìn thấy mâm xôi ngũ sắc, tôi lại nhớ đến những lần cùng bà đi hái lá, ngâm gạo làm xôi ngày xưa.
Bây giờ, xôi ngũ sắc đã trở thành món ăn đặc sản của đồng bào người Thái Mường Lò nói riêng, Tây Bắc nói chung và được nhiều người biết tiếng. Xôi ngũ sắc cũng không còn bó hẹp trong các ngày hội, ngày Tết của bản làng người Thái, mà nó đã trở thành món ẩm thực độc đáo, thành niềm tự hào của người Mường Lò (Yên Bái). Mỗi khi có dịp tham gia các hội chợ ẩm thực, hoặc trong những dịp địa phương tổ chức lễ hội, hay đơn giản chỉ là đón đoàn khách du lịch ghé thăm, xôi ngũ sắc cũng được làm để giới thiệu với du khách gần xa. Món xôi ngũ sắc này cũng đã đi vào kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2008, với mâm xôi ngũ sắc lớn nhất Việt Nam có trọng lượng 1,3 tấn, đường kính 2,8 m, dày 30 cm.
Những ai đã từng một lần thưởng thức món xôi ngũ sắc được nấu từ nếp Tú Lệ, chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên trước khả năng sáng tạo của những phụ nữ dân tộc Thái và sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngon, đậm đà của món xôi độc đáo này. Chẳng thế mà mỗi lần tôi có dịp về thăm quê, những người bạn thành phố lại tíu tít “đặt hàng”: “Nhớ mang xôi ngũ sắc về làm quà đấy nhé”!
Phương Lan