Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Bài 2 - Còn nhiều khó khăn

Năm 2018 là năm bản lề để Quảng Nam đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới nhằm đạt mục tiêu có hơn 66% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020 như Chính phủ giao.

Quảng Nam cũng là địa phương có chỉ tiêu cao nhất ở khu vực Nam Trung Bộ, tương đương với 135 xã. Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều “trở lực” ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Xây dựng kênh mương thủy lợi ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

  Khó giữ những tiêu chí “mềm”

Giai đoạn 2011-2016, Quảng Nam có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng hiện nay, sau khi rà soát, đánh giá lại thì 41 xã không đạt theo bộ tiêu chí mới. Những xã này đều bị “rớt” một số tiêu chí như: Thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường, y tế, hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh. Đây được xem là những tiêu chí “mềm” nhưng phản ánh sự thay đổi về “chất” của một xã nông thôn mới.

Ông Đỗ Vạn Lộc, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam cho biết: Điều này cho thấy những hạn chế, bất cập trong giai đoạn đầu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nhất là tư tưởng chạy theo thành tích. Cuộc sống người dân ở phần lớn các xã cán đích nông thôn mới chưa có thay đổi rõ nét. Xã được công nhận danh hiệu nông thôn mới nhưng nhà ở, tường rào…chưa đẹp.

Xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức được công nhận xã nông thôn mới năm 2015. Đây cũng là thời điểm xã bắt đầu “gồng mình” để giữ các tiêu chí. Xã Quế Bình có 4 thôn, tuy từng thôn đã quy hoạch nghĩa trang nhân dân thôn nhưng hiện nay vẫn có trường hợp người dân an táng người qua đời ở ngoài nghĩa trang, dẫn đến nguy cơ bị “rớt” về tiêu chí môi trường.

Mặc dù là xã nông thôn mới cách đây 3 năm nhưng xã Quế Bình vẫn chưa được đầu tư xây chợ mới, người dân buôn bán tự phát ngay trước cổng UBND xã, vừa không đảm bảo vệ sinh môi trường vừa ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã năm 2017 là 11,42% cao hơn so với tiêu chí.

Chủ tịch UBND xã Quế Bình Phạm Thanh Ba cho biết: Hiện nay, bên cạnh việc khắc phục tiêu chí bị “rớt” về tỷ lệ hộ nghèo, xã cũng đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các tiêu chí còn lại một cách đồng bộ. Việc giữ các tiêu chí “mềm” rất khó bởi còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan.

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó 6 huyện miền núi cao được thụ hưởng chính sách 30a, 30b của Chính phủ. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi của tỉnh rất cao, đối với các huyện 30a gồm Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, tỷ lệ hộ nghèo trên 47%; các huyện 30b gồm Đông Giang, Nam Giang và Bắc Trà My tỷ lệ này là hơn 42%; trong khi con số này bình quân của tỉnh là 9,2%.

Xuất phát điểm ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam thấp nên việc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, nhất là khi áp dụng bộ tiêu chí đánh giá mới, đòi hỏi chất lượng cao hơn. Vì xuất phát điểm thấp nên phần lớn nguồn lực triển khai xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện. Một số xã điểm ở khu vực miền núi sau khi về đích nông thôn mới như Anông, Lăng (huyện Tây Giang), xã Ba (huyện Đông Giang)… đã bị “hụt hơi” do không còn nguồn hỗ trợ lớn như trước.

Thực hiện những tiêu chí “cứng” còn nhiều khó khăn

Chú thích ảnh
Cánh đồng sản xuất lúa giống ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

 Theo lộ trình đến cuối năm 2020, tỉnh Quảng Nam có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Phú Ninh và Duy Xuyên. Tuy nhiên, có một số tiêu chí được định lượng cụ thể thành những con số trong các văn bản của Trung ương không phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Huyện Duy Xuyên có 14 xã và thị trấn, trong đó thị trấn Nam Phước, các xã Duy Hải, Duy Nghĩa nằm trong chương trình phát triển đô thị, 11 xã còn lại đang xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, 5/11 xã của huyện Duy Xuyên đã về đích nông thôn mới, các xã còn lại theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Chiếu theo 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, Duy Xuyên đã đạt được 5 tiêu chí gồm hệ thống điện lưới, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự xã hội và công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; các tiêu chí đang được hoàn thiện gồm quy hoạch, giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa và giáo dục. Hiện, Duy Xuyên đã ban hành kế hoạch thực hiện các tiêu chí  huyện nông thôn mới, với giải pháp cụ thể về nội dung triển khai cũng như huy động nguồn lực. Tuy nhiên, huyện gặp khó khăn do một số nội dung chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên Văn Bá Năm cho biết: Theo hướng dẫn số 27- HD/BTCTW ngày 25/9/ 2014 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm có quy định số cơ sở đảng đạt chuẩn trong sạch, vững mạnh không quá 50%. Việc thực hiện điều này còn khó khăn đối với các huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới bởi theo quy định 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có 100% đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh.

Ngoài ra, theo quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, những xã ở khu vực đồng bằng để đạt tiêu chí về giáo dục và đào tạo phải có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông và tương đương 85%. Tuy nhiên, các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU năm 2017 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phấn đấu đến năm 2020 con số này này là  80%, nhằm thực hiện việc phân luồng học sinh ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, hướng các em theo học nghề.

Bên cạnh đó, hiện giá vật liệu xây dựng tăng cao trong khi các địa phương không được phép khai thác những vật liệu như cát, sỏi tại chỗ để đối ứng làm công trình giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, công trình thủy lợi do vướng quy định của Trung ương về khai thác tài nguyên, khoáng sản. Điều này dẫn tới chi phí đầu tư hạ tầng các công trình nông thôn mới tăng cao, tạo gánh nặng đóng góp cho người dân, dễ phát sinh nợ ở cấp xã, nhất là khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Đối với huyện Phú Ninh, dù đã được công nhận là huyện nông thôn mới vào năm 2015  song xét theo 9 tiêu chí về huyện nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, huyện Phú Ninh hiện mới chỉ đạt 5 tiêu chí gồm thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Trong việc hoàn thiện những tiêu chí còn lạiy, Phú Ninh cũng gặp một số vướng mắc về quy định như huyện Duy Xuyên. Bên cạnh đó, mặc dù Phú Ninh đã được công nhận huyện nông thôn mới giai đoạn đầu nhưng thiếu tính bền vững, đơn thuần là “phép cộng” của các xã về đích nông thôn mới theo bộ tiêu chí cũ. Nhiều tiêu chí của huyện nông thôn mới chưa được đầu tư đạt chuẩn như các tuyến đường liên tỉnh, trung tâm văn hóa, trung tâm y tế, môi trường… Đối với các xã nông thôn mới của huyện Phú Ninh, đa số tiêu chí mới đạt ở mức tiệm cận, thiếu tính bền vững.

Để phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt được những kết quả bền vững, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và người dân, các bộ, ngành Trung ương cũng cần xem xét tháo gỡ, điều chỉnh vướng mắc từ những văn bản quy định pháp lý để phù hợp với thực tế.

 

 

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam-Bài 3: Tạo những bước đi vững chắc

 

 

 
Trần Tĩnh- Đỗ Trưởng (TTXVN)
Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Bài 1 - Những 'trái ngọt'
Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Bài 1 - Những 'trái ngọt'

Mặc dù, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn song đã cho những “trái ngọt” đầu tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN