Có thể thấy rằng để bảo đảm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) chắc không khó với các xã ven đô, các xã có đường giao thông thuận tiện, nhân dân có nghề phụ như làm dịch vụ, nghề thủ công, tiểu thủ công nghiệp… Nhưng sẽ là rất khó khăn với các xã thuần nông lại độc canh cây lúa, ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.
Đào tạo nghề cho nông dân để vào làm công nhân tại xí nghiệp sản xuất đá xây dựng (xã Tân Thịnh) ...
|
Trong hai bài viết trước chúng tôi đã phản ánh thực tế những công việc đã triển khai để XDNTM, một ở xã điểm toàn quốc và một ở xã điểm của huyện với hai xuất phát điểm khác nhau và sự đầu tư trong thời gian qua cũng khác nhau nhưng mức độ và nguyên nhân thành công đều có chung một điểm là phụ thuộc vào bản lĩnh của cán bộ và sự đồng thuận của toàn dân. Có hai yếu tố đó cộng với sự đầu tư cho hạ tầng cơ sở tất sẽ tạo ra cơ hội cho một cuộc chuyển mình sâu sắc nhất đối với nông thôn, nông nghiệp và đời sống nông dân. Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí để XDNTM thì có 2 tiêu chí trở thành hai vấn đề khó xuất hiện đầu tiên, đó là chuyển dịch cơ cấu lao động và thu nhập của người dân.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Vì sao những lĩnh vực cần tiêu tốn hàng chục tỷ đồng như làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng hay như việc vận động người dân hiến đất làm đường lại không khó mà hai vấn đề trên đây lại khó thực hiện?
Ở tầng sâu của vấn đề, mà không phải tất cả mọi người dân đều nhận thấy, đó là, việc đầu tư chỉ là bước đi ban đầu làm tiền đề cho những nhân tố mới xuất hiện để tạo nên xung lực làm thay đổi nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân. Đó mới là cái đích của XDNTM. Nếu khi đã đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật mà người dân không có nhận thức về một thời cơ mới xuất hiện thì sẽ không chủ động tìm ra cách làm ăn mới. Thời cơ qua đi cũng đồng nghĩa với sự lãng phí các công trình đầu tư. Do vậy chuyển đổi cơ cấu lao động chính là sự đòi hỏi bản thân người nông dân tự đào tạo mình để không là “nông dân thuần nông” mà hướng đến làm các ngành nghề phụ, làm dịch vụ, thủ công; cũng có nghĩa là tìm một con đường “ly nông nhưng không ly hương”. Tuy nhiên một khi không có vốn, không có nghề người nông dân không có hy vọng gì hơn là làm sao không bị đói nhờ vào mấy trăm mét vuông đất đã là hạnh phúc.
... hoặc làm gạch (xã Lão Hộ), cũng là một cách để giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp. |
Từ cách nghĩ và cách làm của Lão Hộ ta nhận ra một điều cực kỳ quan trọng về ý tưởng và bản lĩnh của cán bộ lãnh đạo và sự đồng thuận của nhân dân. Cán bộ phải đi đầu trong việc học hỏi và ứng dụng các mô hình mới; và một khi cán bộ làm thành công thì người dân sẽ làm theo. Việc hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp không chỉ là con số đơn thuần mà nó thể hiện cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất mà mức thu nhập thực tế của nông dân là chỉ dấu phản ánh thực chất của cơ cấu sản xuất đó. Vì vậy, để hạ tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 45% theo bộ tiêu chí thì cũng có nghĩa là xã phải tổ chức lại sản xuất, tạo thêm ngành nghề; đặc biệt là nghề thủ công, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ để tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho 55% nông dân.
Thực tế, để giảm lao động nông nghiệp đã có những địa phương kêu gọi và thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp với cơ chế rất dễ dãi. Theo đó nhiều cánh đồng là “bờ xôi ruộng mật” hoặc bị biến thành những xí nghiệp may gia công với mức lương thấp hoặc những cơ sở chế biến gia công gây ô nhiễm, thậm chí còn bị bỏ hoang do doanh nghiệp đầu tư kiểu “xí phần”. XDNTM không phải là bằng mọi cách lôi kéo các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp để tăng thu nhập và hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp mà cần phải phát huy lợi thế về đất đai, sông rạch, núi đồi để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa một cách bền vững. Ông Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Lão Hộ Trần Tân Hợi khi đưa chúng tôi đến công ty sản xuất gạch tuynen, một cơ sở sản xuất như là một thắng lợi của xã về thu hút đầu tư và giải quyết việc làm cũng thừa nhận rằng, sản xuất gạch cũng chỉ có thời, chỉ có sản xuất nông nghiệp chất lượng cao mới là vững bền và phù hợp với nông dân. Thế mới có chuyện tại xã này dân thỏa thuận dồn vùng đổi thửa để các trang trại xuất hiện cùng với các hợp tác xã dịch vụ, người nông dân chuyển hướng sang sản xuất phi nông nghiệp bằng một cuộc chuyển mình của nông nghiêp. Nông nghiệp chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa thì sẽ kéo theo sự xuất hiện các ngành nghề như chăn nuôi gà, vịt, lợn cùng các dịch vụ mua bán lợn thịt, lợn giống, trứng, thịt gia cầm và các dịch vụ chăm sóc thú y hoặc cung ứng thức ăn chăn nuôi, các cơ sở chế biến, sơ chế… Ngành nghề mới ra đời, dịch vụ phát triển thì cơ cấu lao động thay đổi; và như một hệ quả tất yếu, thu nhập của ngưòi lao động cũng tăng lên.
Hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp là một khâu có ý nghĩa quyết định trong quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cũng như thay đổi phong tục, tập quán làm ăn, nó có tác động lớn hoặc là quan hệ nhân quả với thu nhập và mức sống của người dân, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp và là mấu chốt của XDNTM. Đạt được tiêu chí hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp là giải quyết được vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân. Thực tế tại hai xã Tân Thịnh và Lão Hộ, việc hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp được thực hiện không mấy khó khăn vì thu hút được đầu tư sản xuất công nghiêp. Ở Tân Thịnh là một nhà máy sản xuất đá mài và một xí nghiệp may công nghiệp; ở xã Lão Hộ cũng thu hút đầu tư sản xuất gạch và may. Việc kéo các nhà đầu tư vào sản xuất công nghiệp về làng là hy vọng và mơ ước của không ít địa phương. Tuy nhiên những dự án này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn; ấy là chưa kể những tác động tiêu cực lâu dài về môi trường, về đất đai.
Như vậy, chúng ta cũng có thể đặt vấn đề rằng, không phải bất cứ xã nào cũng có thể thu hút được đầu tư sản xuất công nghiệp; vả lại mục tiêu XDNTM cũng không phải là biến các xã thành các xí nghiệp công nghiệp. Do vậy vấn đề hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp, như trên đã nói, rất cần có hoạch định tổng thể và dài hạn, không thể nóng vội bằng cách thu hút cho được các ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp mà không tận dụng được lợi thế từ điều kiện tự nhiên của địa phương cũng như nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp.
Nhận thức là vậy, nhưng để có một giải pháp cụ thể để giải quyết “cái khó” của hai vấn đề nêu trên thực không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch huyện Lạng Giang, khi trao đổi với chúng tôi về kết quả XDNTM ở Tân Thịnh đã nói: “XDNTM không thể làm trong một thời gian ngắn, cũng không phải có tiền là thành nông thôn mới. Sau 2 năm XDNTM, Tân Thịnh chưa thể trở thành nông thôn mới theo đúng nghĩa, cần 1 năm nữa để người dân nhận thức được quá trình đổi mới XDNTM”. Còn đối với xã Lão Hộ, rút kinh nghiệm 2 năm qua đã phác thảo đường hướng và mục tiêu: “Tổ chức đào tạo ngành nghề, nâng cao dân trí và chất lượng lao động, giảm tỷ lao động nông nghiệp xuống còn 25% vào năm 2015”, ông Nghĩa nói.
Đó có thể là một hướng đi có tính khả thi vì nó gắn chặt với chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Quang Vinh - Viết Tôn