Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chương trình lớn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên mọi nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân. Nhiều người xem đây là một cuộc cách mạng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân; bởi chương trình hướng tới những mục tiêu toàn diện và cụ thể, những vấn đề sâu rộng của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội mang tính nhân văn sâu sắc.
Theo quốc lộ I từ Hà Nội đi Lạng Sơn, qua TP Bắc Giang chừng 20 km, chúng tôi đến Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, nằm ven lộ, là 1 trong 11 xã trong cả nước được chọn thí điểm XDNTM từ năm 2009. Với vị thế như vậy, xã có khá nhiều thuận lợi khi bước vào thực hiện thí điểm Chương trình XDNTM với 8/19 tiêu chí đã đạt được. Chẳng hạn như xã đã đạt chuẩn về các lĩnh vực thiết yếu nhất như giao thông, y tế, giáo dục... Bằng trực quan chúng tôi cũng nhận thấy đây là một xã có điều kiện tốt trong giao thương, nhân dân có cuộc sống khá; bằng chứng là đường sá rộng rãi, nhà cửa kiên cố khang trang, cây cối xanh tươi, làng quê sầm uất. Đây cũng là những công trình có từ trước năm 2009, khi Tân Thịnh bước vào thực hiện Chương trình XDNTM.
Biệt thự mới ở xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Ảnh: Quang Vinh |
Tuy nhiên, làng quê miền Bắc từ bao đời nay vẫn vậy, dù no dù đói mỗi người dân đều phải lo toan, tích cóp sao cho có được một căn nhà có khả năng chống lại được bão gió và giá rét. Chuyện làm nhà với không ít người là mơ ước và “sự nghiệp” của cả đời. Do vậy, ở nhiều vùng quê, nếu chỉ nhìn vào nhà cửa chưa hẳn đã đánh giá đúng thực chất giàu nghèo. Vì thế chúng tôi không ngạc nhiên khi nghe Phó Chủ tịch xã Nguyễn Hữu Trung nói rằng, trước khi triển khai thực hiện Chương trình XDNTM thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Thịnh năm 2009 chỉ đạt 11,8 triệu đồng/người. Dẫn chứng con số thu nhập này để thấy rằng, dù là với diện mạo của làng quê sầm uất, có cơ sở hạ tầng khá tốt nhưng cuộc sống của người dân chưa cao. Rằng với xuất phát điểm như vậy thì Tân Thịnh đã đạt được những thành tựu gì sau 2 năm XDNTM? Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Nguyễn Văn Nghĩa đã rất chính xác khi nói rằng, bản chất của XDNTM là làm thế nào để người dân có thu nhập ổn định ở mức cao. Vậy thì trong 2 năm qua, cán bộ và nhân dân xã Tân Thịnh đã XDNTM ra sao?
Trước hết phải nói đến sự đầu tư rất lớn của Nhà nước và sự đóng gióp của nhân dân. Trong tổng số các nguồn vốn đầu tư cho chương trình là 87 tỷ đồng, gần 2 năm qua, Tân Thịnh đã đầu tư cho các công trình hơn 41,6 tỷ đồng. Nhờ số vốn này mà 61 công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đã được hoàn thành, 4 công trình khác đang triển khai. Một số công trình thiết yếu như đường trục xã, chợ, hội trường, nâng cấp trạm y tế, đường liên thôn, kênh mương nội đồng, trụ sở UBND xã… không chỉ làm thay đổi diện mạo của xã mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Có thể nói, Chương trình XDNTM là một chương trình đầu tư đồng bộ nhắm đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy việc qui hoạch nông thôn là bước đi đầu tiên. Qui hoạch hợp lý kết hợp với đầu tư cho hạ tầng đúng mức sẽ tạo ta một không gian kinh tế mới, vừa tận dụng được lợi thế của các ngành nghề truyền thống, vừa phát triển những ngành nghề mới, tạo ra một bước chuyển đổi về chất đối với nông dân, nông thôn và nông nghiệp. Do đó có ý kiến cho rằng, Chương trình XDNTM thực chất là một cuộc cách mạng với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Xét theo nghĩa cách mạng là sự nghiệp của quần chúng thì chúng ta thấy rằng người dân ở xã Tân Thịnh, từ nhận thức đến hành động đều nhiệt tình ủng hộ và tham gia chương trình, nhiều người ý thức sâu sắc rằng đây là một vận hội lớn sẽ làm thay đổi cuộc sống. Vì thế, trong tổng số vốn đã đầu tư 41,6 tỷ đồng nêu trên thì vốn Trung ương 23,5 tỷ đồng, vốn của tỉnh, huyện, xã gần 5,5 tỷ đồng còn vốn nhân dân đóng góp hơn 11,3 tỷ đồng, ngoài ra còn các nguồn vốn khác. Nhân dân đóng góp bằng nhiều cách, người góp công, người góp của, rất nhiều người đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông và các công trình công cộng. Có thể nói, XDNTM tại xã Tân Thịnh đã tạo được sự đồng thuận xã hội lớn. Người dân tham gia quản lý các công trình ở thôn, tham gia qui hoạch… có sự nhất trí cao giữa người dân với nhau, giữa người dân và chính quyền. Vì vậy mọi người dân đều xem việc XDNTM là công việc của chính mình, không có tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Đường liên thôn ở xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được xây dựng theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Quang Vinh |
Đồng thuận trong đóng góp xây dựng hạ tầng đã rất quan trọng nhưng đồng thuận trong việc bàn mưu, tính kế làm ăn mới có vai trò quyết định trong việc nâng cao thu nhập. Điều này cũng đồng nghĩa với việc biết khai thác lợi thế từ các công trình đã được đầu tư, qui hoạch để hình thành những vùng sản xuất chuyên canh hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tại Tân Thịnh hiện đã hình thành 5 mô hình sản xuất có hiệu quả, và cũng là thế mạnh của xã. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Hữu Trung nói: “Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động là những vấn đề hàng đầu trong Chương trình XDNTM ở Tân Thịnh. Do vậy, xã đã nhanh chóng tổ chức sản xuất, hình thành và nhân rộng mô hình sản xuất cây cà chua bi xuất khẩu, sản xuất mì theo công nghệ mới, trồng cây thuốc lá là nghề truyền thống, chăn nuôi lợn gia trại, trồng hoa chất lượng cao và trồng nấm. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất này đã nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người từ 11,8 triệu đồng năm 2009 lên 18 triệu đồng năm 2010, giải quyết việc làm cho 400 lao động”. Cũng cần phải nói thêm rằng, 2 trong số 5 mô hình phát triển kinh tế phát huy có hiệu quả đều có sự liên kết sản xuất với các cơ quan khoa học, doanh nghiệp. Chẳng hạn mô hình trồng cà chua bi xuất khẩu là có sự liên kết giữa xã với trường Đại học Nông nghiệp I và Sở KHCN Bắc Giang; hoặc mô hình trồng thuốc lá giống mới là sự liên kết giữa người nông dân với Tổng cục Dạy nghề, Viện Cây thuốc lá và Công ty Thuốc lá Ngân Sơn.
Đây chính là một hướng đi đúng đắn của một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa; cũng có thể là ấn tượng đầu tiên về một xã nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang: Tân Thịnh được đầu tư theo chương trình xã điểm XDNTM là 87 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương là 30 tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng thiết yếu, 24 tỷ đồng là vốn từ những chương trình lồng ghép, còn lại là vốn huy động trong dân cư. Sau hơn 1 năm xây dựng, người dân có chuyển biến nhận thức, nhân dân tự nguyện đóng góp với nhiều hình thức như hiến đất để làm đường, đóng góp tiền để cùng nhau chỉnh trang bộ mặt nông thôn như cổng ngõ, đường đi hay đóng góp để xây dựng đường liên thôn, xây dựng tuyến kênh mương nội đồng. Người dân họp bàn bạc, dân chủ để cùng nhau đóng góp XDNTM. Đây là mục tiêu đạt được trong việc XDNTM. Nếu sau này triển khai trên diện rộng, người dân không tự nguyện, không đóng góp mà chỉ trông chờ vào vốn đầu tư của Nhà nước thì quả thật khó khăn. Theo Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ thì vốn hỗ trợ của Nhà nước cho Chương trình XDNTM chỉ 18-20% thôi, trong khi đó để đạt được mục tiêu XDNTM đầu tư cho 1 xã là trên 100 tỷ đồng thì số tiền còn lại 70 - 80 tỷ đồng nếu không huy động tốt, không có chính sách cụ thể và không có những đề án chi tiết trong XDNTM thì các xã XDNTM sau này sẽ hết sức khó khăn so với xã điểm Tân Thịnh. |
Quang Vinh - Viết Tôn
Bài 2: Cách làm từ Lão Hộ