Nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân của 11 xã được chọn làm thí điểm đã có biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, ở nhiều xã vẫn còn tình trạng sản xuất nông nghiệp theo mô hình manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập của người dân có tăng nhưng vẫn còn thấp.
Tập trung nâng cao thu nhập
Sáng 16/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hơn 2 năm triển khai Chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân tại 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM).
Theo phản ánh của các xã, tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân là chỉ tiêu khó đạt nhất. Vì vậy, trong hơn 2 năm qua, các xã được chọn làm thí điểm đã tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, ban chỉ đạo NTM đã rất coi trọng tiêu chí này. Sau mỗi kỳ họp BCĐ, Trưởng BCĐ đều có thông báo đôn đốc, nhắc nhở các xã điểm phải coi trọng việc chỉ đạo và dành vốn cho phát triển sản xuất, văn hóa… khắc phục tình trạng chỉ chú trọng đến xây dựng hạ tầng.
Trường tiểu học Hiển Khánh (huyện Vụ Bản, Nam Định), một trong số trường đạt tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Để hướng dẫn các xã xây dựng phương án sản xuất, trong hơn 2 năm qua, Bộ NN&PTNT đã giao 15 cơ quan trực thuộc Bộ tư vấn, giúp đỡ các xã điểm xây dựng phương án sản xuất và tổ chức triển khai trên thực tiễn các mô hình sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tính đến tháng 3/2011, đã có 8/11 xã hoàn thiện quy hoạch chi tiết về nông nghiệp. Còn 3 xã là Thanh Chăn (Điện Biên), Tân Hội (Lâm Đồng) và Tân Lập (Bình Phước) đang hoàn thiện quy hoạch. Toàn bộ 11 xã điểm đều đã xây dựng phương án phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Thực tế, các xã cũng đã tự tìm được thế mạnh riêng của mình theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm” để khai thác hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội (TP.HCM) cho biết, xã đã chọn được “sản phẩm” lợi thế cho địa phương mình là: Sản xuất rau sạch, hoa, cây cảnh, chăn nuôi bò sữa.
“Chúng tôi đã hình thành 2 HTX và 8 tổ hợp tác; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 177 triệu đồng/ha, tăng 25% so với năm 2009. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, giải quyết việc làm cho 511/1.604 lao động”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội nói tại hội nghị.
Xã Thụy Hương (Hà Nội) cũng tìm được lợi thế riêng của địa phương: Xã đã xây dựng được 3 mô hình trồng trọt là: 8 ha hoa, 15 ha cây ăn quả, 10 ha rau an toàn và đang triển khai xây dựng khu chăn nuôi tập trung 15,6 ha, xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp-làng nghề.
Theo ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương (Hà Nội), xã đã đạt 14/19 tiêu chí NTM, còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm cơ cấu lao động, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, văn hóa và môi trường.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân là chỉ tiêu khó đạt nhất trong xây dựng NTM. Nhiệm vụ của các xã là phải giúp tất cả các hộ dân tăng thu nhập, chứ không phải giúp vài hộ hay từng nhóm hộ.
Đào tạo nghề gắn với thực tế
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, xây dựng NTM phải coi trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân. Việc đào tạo nông dân phải gắn với từng mô hình cụ thể, không nên đưa nghề quá xa vời vào đào tạo. Ví dụ, vùng thủy sản nên đào tạo mô hình thủy sản, vùng lúa đào tạo thâm canh lúa, vùng cao su đào tạo công nhân cạo mủ cao su. Chúng ta phải đào tạo mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy địa phương phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, phấn đấu đến cuối năm 2011 các xã điểm đều đạt chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia NTM.
Tại hội nghị, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh mở được 100 lớp dạy nghề cho 7.200 lượt nông dân. Đã hình thành 50 tổ hợp tác, củng cố phát triển 27 HTX, thành lập 54 CLB khuyến nông và tín dụng, các xã thí điểm đã phát triển được 4.195 cán bộ khuyến nông, khuyến ngư cơ sở. Hằng năm, các trung tâm khuyến nông triển khai hơn 7.000 mô hình chia sẻ kiến thức sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Đến nay, 8/11 xã hoàn thiện qui hoạch chi tiết về nông nghiệp.
“Ngoài phát triển sản xuất, một số nơi đã tập trung đào tạo, tập huấn kiến thức cho người lao động và chuyển giao tiến bộ khoa học, tăng vốn qua tín dụng cho người dân vay để sản xuất”, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, thời gian tới, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn phải tiếp tục gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của từng địa phương, việc dạy nghề phải gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, của doanh nghiệp.
Hữu Vinh