Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về tình hình thời tiết bất thường năm 2023, dự báo hình thái thời tiết năm 2024 cũng như định hướng phát triển của ngành Khí tượng thủy văn giai đoạn tới.
Trong năm 2023, lần đầu tiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát đi thông báo khẩn cấp nâng mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai lên đến cấp 4 đối với Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó, El nino đã và đang ảnh hưởng tới thời tiết của nước ta từ năm 2023 đến nay. Vậy, ông đánh giá như thế nào về hình thái thời tiết sẽ diễn ra trong năm 2024?
Thực tiễn cho thấy, việc đưa thông tin dự báo tình hình thời tiết tác động đến đời sống xã hội đã cải thiện, nâng cao năng lực phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai ở các cấp. Từ đó, giúp người dân (người sử dụng bản tin dự báo) nhận thức được rõ hơn tác động của thiên tai; có biện pháp tự chủ động bảo vệ chính mình… Trong năm 2023, khi nhận thấy mức độ nguy hiểm của thiên tai và những vấn đề tác động đến đời sống cộng đồng, các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn, lần đầu tiên Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã phát đi thông báo khẩn cấp nâng mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 4 đối với 2 địa phương là tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.
Về El nino, hiện tượng này đã bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2023, có khả năng kéo dài đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%, sau đó suy yếu. Dự báo trong tháng 2-3/2024, rét đậm rét hại vẫn xảy ra nhưng không kéo dài và số ngày rét đậm rét hại ít hơn so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng có khả năng xuất hiện ở Tây Bắc Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Khu vực phía Đông Bắc Bộ, nắng nóng xuất hiện muộn hơn, tập trung trong tháng 5-6/2024. Số ngày nắng nóng năm 2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, dự báo các tháng đầu năm 2024 sẽ ít mưa, do vậy nhiều khả năng xảy ra khô hạn kéo dài. Từ tháng 3-5/2024, bão, áp thấp nhiệt đới ít có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông. Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão (khoảng tháng 9-11). Cường độ bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có thể dày hơn.
Để chủ động hơn nữa trong công tác dự báo, cảnh báo, đặc biệt là đối với công tác phòng, chống thiên tai, việc phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động đã được ngành Khí tượng thủy văn triển khai như thế nào, đâu là những thuận lợi, khó khăn, thưa ông?
Những năm qua, hệ thống các trạm quan trắc tự động được nâng lên đáng kể về số lượng. Ngành Khí tượng thủy văn đã ưu tiên phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động theo hướng hiện đại, đồng bộ thông qua các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước hàng năm. Việc phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn tự động thường được ưu tiên cho các khu vực có mật độ trạm còn thưa, thường xuyên xảy ra thiên tai nhằm cung cấp kịp thời số liệu quan trắc thời gian thực phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Các trạm khí tượng, thủy văn và đo mưa tự động đã được đầu tư trong những năm qua góp phần cung cấp nguồn số liệu tương đối lớn và kịp thời phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn tự động với công nghệ hiện đại, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện chuyển giao công nghệ và đồng hành trong việc duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định cho các trạm còn khó khăn do chưa có cơ chế đặc thù cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, trang thiết bị hiện đại điện tử hoạt động trong môi trường thời tiết đặc thù như Việt Nam sẽ có tuổi thọ kém, cần sự giám sát kiểm tra và thay thế thường xuyên linh kiện. Đa số các trạm được đặt trên khu vực đồng bẳng, hoặc những nơi giao thông đi lại thuận tiện. Rất ít trạm hoặc thậm chí là không có trên các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực núi cao, đặc biệt là nguồn số liệu trên biển.
Ngành Khí tượng thủy văn đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất với Chính phủ cho phép đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới trạm đo mưa tự động. Theo đó, thay vì phải đầu tư trang thiết bị, con người, kinh phí phục vụ vận hành, các công việc này được chuyển giao cho khối doanh nghiệp tư nhân. Ngành Khí tượng thủy văn chỉ thuê các thiết bị này để lấy các thông tin dự báo, từ đó giúp giảm chi phí hệ thống.
Hiện tổng số trạm đo mưa tự động đã được đầu tư xã hội hóa là gần 1.400 trạm. Chúng tôi cho rằng, cần phải quan tâm phát triển hình thức này để tăng thêm nguồn lực cho hệ thống quan trắc đủ dày phục vụ phát triển các mô hình dự báo dành riêng cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống hỗ trợ cảnh báo mưa lũ và dông, sét ra mắt từ tháng 10/2023 đã phát huy hiệu quả ban đầu. Hệ thống hỗ trợ cảnh báo mưa lũ và dông sét gồm 3 hệ thống chính: Hệ thống phân tích và dự báo định lượng mưa từ 1 đến 6 giờ; Hệ thống giám sát và cảnh báo dông sét thời gian thực; Hệ thống theo dõi, kiểm soát chất lượng dữ liệu tự động.
Cả 3 hệ thống này sẽ đưa ra các thông tin về bản đồ phân tích và dự báo định lượng mưa cho 6 giờ tiếp theo dựa trên dữ liệu radar thời tiết và dữ liệu đo mưa bề mặt. Ngoài ra, hệ thống này cũng tích hợp thông tin cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất do mưa gây ra. Mọi diễn biến về tình hình mưa lũ, sạt lở đất trên tất cả các khu vực, lãnh thổ Việt Nam đều được theo dõi, giám sát liên tục thông qua các bản đồ phân tích và dự báo định lượng mưa từ 1 đến 6 giờ. Hiện tại, Hệ thống phân tích và dự báo định lượng mưa từ 1 đến 6 giờ hoạt động ổn định, thông tin dự báo chính xác, kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, thông tin thân thiện với công chúng. Ví dụ, trong tháng 10/2023, thông tin chúng tôi cung cấp đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong cảnh báo, dự báo các đợt mưa lớn trên diện rộng gây lũ, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây nguy cơ cao về lũ quét ở khu vực miền Trung.
Để Hệ thống phát huy hiệu quả hơn nữa, trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến công nghệ định lượng mưa dựa trên hệ thống radar phân cực đôi, công nghệ dự báo định lượng mưa, đồng thời nghiên cứu xây dựng các chỉ số rủi ro về sạt lở đất, lũ lụt và ngập lụt để đạt được độ chính xác cao nhằm phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm.
Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành từ năm 2021. Ngành Khí tượng thủy văn đã và đang triển khai những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược này, thưa ông?
Triển khai thực hiện Chiến lược trên, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã tham mưu, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch ban hành nhằm thực hiện Chiến lược đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, gắn với thực hiện Chỉ thị số 10 CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các văn bản có liên quan.
Để thực hiện thành công Chiến lược, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu, nâng cao năng lực công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa…Ngành hoàn thiện hệ thống tích hợp dữ liệu tập trung; thực hiện các hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công tác thu nhận dữ liệu khí tượng thủy văn; tăng cường dự báo dài hạn về khí tượng, thủy văn, hải văn, nguồn nước…
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, ngành tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác khí tượng thủy văn phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương; tăng cường đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực khí tượng thủy văn; xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp và bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác khí tượng thủy văn.
Ngành cũng thực hiện đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, viễn thám và các công nghệ hiện đại khác trong công tác khí tượng thủy văn; triển khai các đề án, dự án, chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về khí tượng thủy văn…
Cùng với đó, ngành Khí tượng thủy văn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; hoàn thiện các chương trình, tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống truyền thông tác động của thiên tai, rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh...
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ Hoàng Đức Cường.