Nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đáp ứng các yêu cầu trong điều hành chính sách, phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, ngành Khí tượng Thủy văn đã và đang được đầu tư nâng cấp mạng lưới quan trắc khí tượng tự động, đồng bộ với mục đích chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu.
Đến năm 2020, mạng lưới quan trắc quốc gia đã có 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; gần 2.000 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm/điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng Ô zôn - Bức xạ cực tím và 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước, 18 trạm định vị sét. Mạng lưới trạm khí tượng này đã phát huy được vai trò trong việc đảm bảo cung cấp số liệu phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng khí tượng thủy văn phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai.
Với mạng lưới quan trắc đo mặn, giúp công tác dự báo và giám sát hạn mặn được chủ động và hiệu quả hơn so với trước đây. Một số năm qua, minh chứng rõ nhất là đã cảnh báo sớm được tình trạng hạn mặn đặc biệt nghiêm trọng, góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại về kinh tế, môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư nâng cấp tự động hóa các trạm quan trắc khí tượng thủy văn có thể thu nhận nhanh các thông tin hiện trạng để đưa ra các cảnh báo, dự báo. Đặc biệt là dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, dông, lốc, bão và áp thấp nhiệt đới.
Đặc biệt, hệ thống 10 trạm ra đa thời tiết được nâng cấp, đầu tư, có thể giám sát cấu trúc bão, đặc điểm các cơn bão, áp thấp nhiệt đới khi tiến vào gần đất liền, qua đó cảnh báo chính xác hơn cường độ, hướng di chuyển của bão cũng như khả năng gây mưa lớn, gió mạnh đến các khu vực ven bờ và sâu trong đất liền. Hệ thống ra đa này, cũng đã từng bước nâng cao được chất lượng cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá hạn cực ngắn khi kết hợp với phân tích kết quả mô hình số trị và hệ thống 18 trạm định vị sét mới được đầu tư và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, mạng lưới đo mưa tự động là một trong những bước tiến rõ rệt của ngành Khí tượng Thủy văn khi áp dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, chuyển đổi số. Hiện nay với mạng lưới đo mưa tự động phủ khắp toàn quốc đã góp phần nâng cao hiệu quả trong cảnh báo nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Theo Tiến sĩ Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bộ đã chủ trì tổ chức thực hiện xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, khả thi theo hướng tự động hóa cao, bảo đảm “tính mở”, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới khí tượng thủy văn quốc toàn cầu.