Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lớn liên tục trong nhiều ngày, khoảng 14 giờ ngày 1/12/2020 đã xảy ra sạt lở phía hạ lưu vai trái đập. Vị trí điểm sạt lở cách chân đập Thủy điện Hương Điền từ 60 - 200m, với khối lượng sạt lở ước tính khoảng 5.000 m3 đất đá.
Theo Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền, bờ trái của thủy điện này phần phía hạ lưu đập có địa chất là đá phiến sét, bị phong hóa gần như hoàn toàn. Tại đây có một phần đất đắp để làm đường thi công được để lại đến khi mái ổn định hoàn toàn mới tiến hành gia cố tổng thể. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến phần đất đắp bị sạt lở kéo theo phần đất đá phong hóa bị cuốn trôi, đổ xuống lòng sông với khối lượng khoảng 5.000 m3.
Do lòng sông rộng và có hố xói nên không gây co hẹp, tắc nghẽn dòng chảy, không ảnh hưởng đến khả năng thoát nước khi chạy máy phát điện cũng như khi xả lũ. Vị trí sạt lở cách xa chân đập Thủy điện Hương Điền nên không gây ảnh hưởng đến chân đập, an toàn công trình.
Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, qua kiểm tra thực tế công trình Nhà máy Thủy điện Hương Điền đang vận hành bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, Sở yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền cần tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn điểm sạt lở và sớm có phương án thiết kế gia cố, tổ chức thi công…
Nhà máy Thủy điện Hương Điền đi vào hoạt động từ năm 2010. Trong ngày 3/12, mực nước hồ Thủy điện Hương Điền ở cao trình 57,9m (mực nước dâng bình thường là +58m), đang vận hành phát điện 3 tổ máy với công suất 81 MW.