Đây là một trong những vấn đề cốt lõi được các đại biểu đánh giá cao tại hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Hội đồng Lý luận Trung ương và Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 20/9.
Lấy con người làm trung tâm
Nhấn mạnh vấn đề này, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội nêu rõ, chính sách ưu đãi người có công được đặc biệt quan tâm và cũng là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội mà nổi bật là phong trào đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng từ Trung đến địa phương.
Chính sách an sinh xã hội cũng đã khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Trong đó, bao gồm các chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; trợ giúp xã hội; đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản; giáo dục tối thiểu; y tế tối thiểu; nhà ở tối thiểu, nước sạch, tiếp cận thông tin; thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID-19.
“Thành tựu qua 10 năm thực hiện còn cho thấy quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được đảm bảo tốt hơn; sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp ngày càng tích cực và hiệu quả; hợp tác quốc tế được tăng cường mở rộng đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội”, ông Bùi Tôn Hiến nhấn mạnh.
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI, nhiều mô hình đã được duy trì có tác động, làm tăng hiệu quả góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của kế hoạch đề ra. Điển hình như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mái ấm Công đoàn, khu nhà trọ với giá điện nước đúng quy định; chương trình giảm nghèo với tiêu chí đa chiều đã nói lên tính bền vững của chính sách xã hội hay cuộc vận động “Vì người nghèo” đã có sức lan tỏa sâu rộng vào đời sống nhân dân, được sự đồng thuận tham gia của toàn xã hội.
Các chương trình đã huy động được nguồn lực to lớn để chăm lo cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn như: hỗ trợ nhà ở, học bổng, phương tiện đi học, phương tiện làm ăn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chăm lo sức khỏe, tặng thẻ bảo hiểm y tế... Các chương trình học bổng Nguyễn Hữu Thọ, hỗ trợ nghề cho con em hộ nghèo; phòng khám từ thiện; hỗ trợ công nhân; chắp cánh tương lai; giúp nhau thoát nghèo, tổ dân phố nghĩa tình... là những mô hình đa dạng, phong phú, nghĩa tình của các cấp, các ngành, địa phương tham gia chính sách xã hội ở Thành phố.
“Đặc biệt, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; việc làm, thị trường lao động; bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cùng với chính sách giảm nghèo đã tạo sự chuyển biến tích cực về mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống; nâng dần chuẩn an sinh xã hội ngang tầm với các nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á với các tiêu chí: khoa học, tiên tiến và bền vững…”, ông Thinh chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cũng nhìn nhận qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, người có công, người yếu thế đã được chăm lo toàn diện hơn cả về vật chất, lẫn tinh thần; đời sống ngày được cải thiện, nâng cao, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng, nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và sự ổn định chính trị, xã hội.
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản bảo đảm công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhìn nhận, Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI đặt ra mục tiêu là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Đây là cột mốc quan trọng khẳng định sự quan tâm của Đảng trong thực hiện chính xã hội nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Để thúc đẩy các chính sách xã hội, thực hiện chủ trương phát triển bền vững với quan điểm lấy con người làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau, việc vận dụng quan điểm mới cũng như các giải pháp phù hợp ứng dụng được vào thực tiễn là yêu cầu quan trọng để giải quyết các vấn đề xã hội trong giai đoạn mới…
Đảm bảo chính sách xã hội toàn dân và bền vững
Nhìn lại 10 năm thực hiện, bà Ingrid Christensen, Giám đốc quốc gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng việc ban hành và triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội. Trong đó, các sửa đổi của Luật Việc làm (năm 2013), Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Luật Bảo hiểm y tế (2014) đã đưa hệ thống an sinh xã hội đến gần với cac nguyên tắc và ý tưởng của Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Định hướng cho chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn mới, bà Ingrid Christensen cho rằng, Việt Nam cần đặt mục tiêu xây dựng hệ thống an sinh xã hội theo hướng đa tầng, dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc (như dịch COVID-19), nhạy cảm về giới và đảm bảo khi tiếp tục phát triển kinh tế nhanh cũng không để ai lại phía sau. Đồng thời khuyến nghị 4 lĩnh vực, chính sách cần quan tâm gồm: Tăng cường liên kết và phối hợp trong an sinh xã hội; mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội cần tập trung vào các chính sách về bảo hiểm xã hội bắt buộc; mở rộng đầu tư cho an sinh xã hội; kết nối giữa an sinh xã hội và chính sách việc làm.
Để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội tại địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cũng đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về chính sách xã hội; tập trung phát triển hệ thống chính sách xã hội toàn diện và bền vững; chú trọng triển khai hệ thống giáo dục đào tạo và phát triển thị trường lao động.
“Đặc biệt, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đáp ứng yêu cầu và khả năng tiếp cận của người dân, nhất là đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số; hiện đại hóa hệ thống quản lý đáp yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội; tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách xã hội, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội…”, ông Nguyễn Văn Út chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Linh, Việt Nam có kế hoạch sẽ ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Với định hướng, con người là trung tâm của quá trình phát triển, bảo đảm chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
“Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Linh nhấn mạnh.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội, trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn và 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công (trong đó có hơn 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng); bảo đảm 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ…
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015. Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỉ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1 - 1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,23% năm 2021; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010…
Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hằng năm, đạt 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2021. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội, điều chỉnh nâng mức trợ cấp hằng tháng cao hơn mức chuẩn chung hoặc mở rộng diện thụ hưởng chính sách.
Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020).