Giải pháp hữu hiệu đảm bảo an sinh xã hội ở Bình Dương

Liên tục 20 năm qua, thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Dương đã tập trung huy động nguồn vốn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần quan trọng để Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất toàn quốc.

Chú thích ảnh
NHCSXH Bình Dương kịp thời giải ngân vốn ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

Tạo sinh kế cho người nghèo

Giám đốc NHCSXH Bình Dương, ông Võ Văn Đức cho biết: Điểm nổi bật trong thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong những năm qua là luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó của thế hệ cán bộ tín dụng chính sách đầu tiên nên nhiều công việc được tiến hành đồng bộ, đảm bảo triển khai các hoạt động tín dụng ưu đãi của Nhà nước được thông suốt, không bị gián đoạn.
Qua chặng đường xây và phát triển, NHCSXH từ tỉnh đến huyện đã được ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương tin tưởng giao thêm nhiều chương trình tín dụng và ủy thác nhiều nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, NHCSXH Bình Dương thực hiện 12 chương trình, với tổng nguồn vốn đạt 4.555 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhận ủy thác đầu tư tại địa phương gần 1.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,4% tổng nguồn vốn (bao gồm vốn ngân sách tỉnh gần 1.600 tỷ đồng và vốn ngân sách cấp huyện hơn 267 tỷ đồng).

Kết quả đó khẳng định những nỗ lực của NHCSXH Bình Dương trong việc tập trung khai thác, huy động nguồn vốn vừa để tăng năng lực hoạt động cho đơn vị, vừa nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả đó cũng khẳng định cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở tỉnh Bình Dương đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, chỉ đạo quyết liệt việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quản lý sử dụng thống nhất, đồng thời cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác tại địa bàn. 

Vốn chính sách đã được “phủ sóng” đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, góp phần thiết thực giúp 43.627 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho 181.066 lao động; 43.243 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, sửa chữa 279.721 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ 223 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 124.103 người lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19...

Chú thích ảnh
Tất cả các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn ưu đãi của Nhà nước.

Kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn chính sách

Nguồn vốn được Trung ương cấp, do địa phương ủy thác sang đã được những cán bộ tín dụng chính sách miền đất đỏ Bình Dương không quản ngại khó khăn, dịch bệnh chuyển tải về 89 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và 1.640 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở xóm ấp, khối phố, giúp người dân kịp thời có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, giảm nhanh cảnh nghèo khó, túng thiếu.

Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, ngụ ấp 1, xã Lạc A, huyện Bắc Tân Uyên đã sử dụng 50 triệu đồng vốn ưu đãi chăm sóc vườn cao su tiểu điền và nuôi bò sinh sản nên đã thoát cảnh túng bấn, xây được căn nhà mới khang trang.

Chị Hồ Thị Thu Hà, ngụ khu phố Đông Chiếu, phường Tân Động Hiệp được NHCSXH thành phố Dĩ An giúp đỡ vay vốn để đầu tư trồng rau sạch trong nhà lưới. “Hiện tại gia đình tôi thoát nghèo, lại mới được vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi để mở rộng cơ sở trồng rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGap”, chị Hà chia sẻ.

Có thể khẳng định, Nghị định 78 của Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống ở tỉnh Bình Dương, tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách, huy động, tập trung nguồn lực vào việc thực hiện tốt chương trình, mục tiêu của Đảng, Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Qua đó, NHCSXH xứng đáng giữ vai trò công cụ đắc lực về giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

“Thời gian tới, cùng các sở ban ngành trên địa bàn, NHCSXH tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách, kiên trì, dốc sức huy động nhiều nguồn lực, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn về các vùng miền, đến đúng đối tượng thụ hưởng, phục vụ đắc lực, hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn”, giám đốc Võ Văn Đức khẳng định.

Đình Đoàn - Đông Dư
Đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến gần hơn với người nghèo
Đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến gần hơn với người nghèo

UBND huyện Phú Giáo vừa tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78 ngày 4/10/2002 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN