Bên lề Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022:

Đảm bảo an sinh xã hội, điều tiết vĩ mô hiệu quả

Theo dõi Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, nhiều cử tri thành phố Đà Nẵng nhận định năm 2022 là một năm gặp khó khăn, trở ngại trong việc phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia tại phiên thảo luận bàn tròn, tọa đàm cấp cao. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo cử tri Nguyễn Văn Thịnh (Giảng viên Đại học Sư Phạm kỹ thuật Đà Nẵng), Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022, gặp không ít thách thức về kinh tế - xã hội, do ảnh hưởng bởi tình hình nóng trên thế giới như xung đột Nga - Ukraine hay một số nước vẫn chưa mở cửa hoàn toàn sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao, gây áp lực không nhỏ đến việc kiềm chế lạm phát, ổn định các vấn đề kinh tế vĩ mô, tạo ra nhiều rủi ro trong quá trình phát triển kinh tế.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Việt Nam cần phải có nhiều thay đổi, cải cách về chính sách tiền tệ, tài chính, tài nguyên đất...; thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài trên các lĩnh vực; tăng cường phát triển du lịch bền vững; đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế.

Về vấn đề xã hội, Chính phủ cần có chính sách kịp thời để đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao, chú trọng đầu tư các lĩnh vực y tế, giáo dục; có biện pháp hữu hiệu như tăng tiền lương, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm tránh tình trạng chảy chất xám nhân lực, gây ra thiếu hụt lượng lớn giáo viên, nhân viên y tế sau thời gian đại dịch, do đãi ngộ chưa thỏa đáng.

Cùng quan điểm, cử tri Lê Phô (Giám đốc Công ty In Thiện Toàn, thành phố Đà Nẵng) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022, đã có nhiều điểm sáng như: khách du lịch, kim ngạch xuất khẩu đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước… Tuy nhiên, trước tình hình thế giới nhiều biến động, kinh tế Việt Nam cũng chịu không ít rủi ro, thách thức. Nhiều doanh nghiệp vừa phục hồi sau đại dịch COVID-19, phải hứng chịu đợt sóng lạm phát mới; trong đó, giá hàng hóa, vật liệu tăng cao làm thay đổi đến kế hoạch kinh doanh, phương án vực dậy, phục hồi công ty, tìm khách hàng mới. Nhà nước đã kịp thời hạ giá xăng, dầu trong những tháng gần đây, phần nào kiểm soát được lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đây cũng là cách để đảm bảo an sinh xã hội, điều tiết vĩ mô hiệu quả.

Theo ông Lê Phô, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp như giảm thuế, giá thuê đất, có chính sách cho vay hợp lý… để vực dậy các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của các rủi ro kinh tế, xã hội trong thời gian qua.

Võ Văn Dũng (TTXVN)
Đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân đến năm 2030
Đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân đến năm 2030

Hệ thống chính sách xã hội đến năm 2030 của Việt Nam hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN