Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên toàn thể.
Tăng tính tự chủ của nền kinh tế
Trình bày tham luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng tăng. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo chậm lại, có nguy cơ cao dẫn tới suy thoái kinh tế. Lạm phát tiếp tục cao, có khả năng kéo dài trong trung hạn tại một số quốc gia. Xu hướng phân mảng, khu vực hóa, cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng. Làn sóng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu diễn ra mạnh mẽ.
"Nếu xét ở khía cạnh tích cực thì đây cũng là cơ hội để Việt Nam và các nước đang phát triển khác tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Ông Trần Quốc Phương cho biết thêm, trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong Quý IV và năm 2023; xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng cũng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam.
Tuy nhiên, với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, tác động của rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta;…
Chia sẻ một số nội dung chủ yếu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021 - 2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động - việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.
Tập trung cho ý kiến về tính tự chủ của nền kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia) cho biết, kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài cũng như những yếu kém nội tại. Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới bởi đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.
Qua các đánh giá về từng cấu phần và nhóm chỉ số tổng thể đưa ra, ông Cấn Văn Lực cho biết, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam ở mức "Trung bình - Khá", trong đó các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp. Mức độ ảnh hưởng của các cú sốc đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn và Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của bối cảnh hiện nay và sắp tới, ông Cấn Văn Lực lưu ý rằng, rủi ro luôn đan xen, lan truyền; các chỉ tiêu kinh tế - tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn (khả năng chống chịu giảm xuống) nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.
Về đề xuất, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần xây dựng, vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi, phát triển bền vững. Đồng thời hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp Việt Nam và có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế…
Lấy thực tiễn từ một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, giai đoạn cuối năm 2021 và 8 tháng năm 2022 cho thấy giai đoạn phát triển tốt và tận dụng cơ hội của ngành dệt may. 8 tháng năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,2 tỷ USD, tăng trưởng tới 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường khẳng định, theo thống kê, dệt may chỉ có kim ngạch xuất khẩu thứ 4 trong các ngành nhưng thặng dư thương mại của ngành dệt may luôn đứng thứ nhất. Tuy nhiên, dư địa chính sách và nhu cầu của thế giới đang có dấu hiệu suy thoái.
"Đến nay, những dư địa chính sách mà Việt Nam đã thực hiện sớm, đem lại lợi ích cho ngành dệt may và các ngành xuất khẩu khác thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng. Trong khi đó thị trường thế giới diễn ra một xu thế ngược lại, tức là đột nhiên trở nên “lạnh”. Cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, biểu hiện suy thoái, lạm phát cao. Nếu trong 8 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng xuất khẩu được 3,7 - 3,8 tỷ USD, dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ xuất được khoảng 3,1 đến 3,2 tỷ USD" - ông Lê Tiến Trường phân tích.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị cách tiếp cận chính sách mới trong giai đoạn tới để đảm bảo phát triển của ngành sử dụng nhiều lao động. Đó là khi nguồn lực hạn chế cần phải có trọng tâm ưu tiên.
Chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất
Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrea Coppola, qua thống kê, khảo sát, các số liệu cho thấy, trong khi các nước trên thế giới đang dấy lên nỗi quan ngại về tình hình lạm phát, Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kìm hãm tốt lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới. GDP tăng trưởng ở mức khả quan, đặc biệt, cơ cấu kinh tế tương đối hợp lý, tỷ lệ đóng góp của khối ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế là khá lớn và không ngừng tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Trong Quý II năm 2022, khối ngành công nghiệp và dịch vụ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó, ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn có bước tăng trưởng nhảy vọt. Điều này cho thấy nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng qua hơn 2 năm đại dịch và những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đang có được đà hồi phục ấn tượng.
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường. Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tích lũy đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
"Hiện tại, chính sách quản trị nguồn lực của Việt Nam đang xoay quanh nguồn vốn sản xuất và vốn con người. Trong đó, việc phát triển doanh nghiệp theo hướng năng động, xây dựng hạ tầng đảm bảo hiệu suất hướng đến tích lũy và phát huy vốn sản xuất; việc tích cực nâng cao kỹ năng của người lao động, mở rộng cơ hội việc làm hướng đến làm giàu thêm vốn con người" - chuyên gia này phân tích.
Để đạt được bước đột phá, hướng đến phát triển bền vững, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra hai khuyến nghị: cần nhận thức rõ và chú trọng vào vốn thiên nhiên, hướng đến tăng trưởng xanh; đồng thời, cần kịp thời nhập cuộc, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất.