Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, diễn đàn năm nay khác với năm ngoái, không phải là Diễn đàn Kinh tế mà là Diễn đàn Kinh tế - Xã hội, thể hiện đúng tư tưởng, quan điểm của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội.
Quan tâm đến vấn đề thị trường lao động, ông Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ, do tác động của đại dịch COVID-19, thị trường lao động bị đứt gãy, dẫn đến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm cục bộ. Nguyên nhân là do cơ chế, cách thức quản trị nguồn nhân lực có vấn đề. Để khôi phục sản xuất, kinh doanh, theo ông Lợi, điểm nghẽn lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Do đó, cần tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hội nhập và hiệu quả. Đối với Quốc hội là cơ quan giám sát, cơ quan lập pháp cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để sự vận hành của thị trường lao động, nền kinh tế đáp ứng linh hoạt với các tác động xã hội như đại dịch COVID-19.
Nhấn mạnh phát triển kinh tế phải gắn liền với an sinh xã hội, giải quyết được các dịch vụ xã hội cơ bản, tối thiểu trong đó có nhà ở xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi nêu thực tế: Hiện nay, nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được 41% chỉ tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020. Nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết 51% số lượng hộ gia đình chưa có nhà ở, để làm sao người lao động có nơi ăn, chốn ở, phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá, Diễn đàn năm nay rất ý nghĩa. Lần đầu tiên, chúng ta kết hợp cả kinh tế và xã hội song song với nhau để xem xét một cách tổng thể.
Liên quan đến việc Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cho rằng, các chính sách về xã hội với tổng số vốn khoảng 53 nghìn tỷ đồng, chiếm 15% trong tổng số các chính sách phục hồi kinh tế - xã hội. Hiện nay, theo đánh giá, kết quả thực hiện các chính sách xã hội trong chương trình tổng thể đạt được kết quả theo tiến độ đề ra.
Sau khi Việt Nam kiểm soát được đại dịch, bước vào giai đoạn phục hồi, kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng GDP cao so với từ trước đến nay. Như vậy, doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ dẫn đến vấn đề bảo đảm nguồn cung lao động. Bởi khi đại dịch xảy ra, có nhiều lao động trở lại địa phương, quê hương của họ gây ra tình trạng thiếu lao động cục bộ tại những nơi tập trung khu công nghiệp lớn. Vấn đề cung ứng nguồn lao động, bảo đảm chất lượng nguồn lao động tại các khu công nghiệp trọng điểm cần được quan tâm đúng mức. Qua Diễn đàn này, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ có thêm luận cứ khoa học để tham mưu Quốc hội ban hành chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế sẽ kéo theo vấn đề về thị trường lao động. Ngoài các chính sách được Quốc hội thông qua như hỗ trợ tiền thuê nhà, giảm khó khăn cho người sử dụng lao động giúp họ có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất để quay trở lại thu hút người lao động, các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã có nhiều giải pháp như tăng cường đào tạo lao động. Vì sau đại dịch sẽ xuất hiện nhiều công việc ở những lĩnh vực mới, đòi hỏi những kỹ năng mới của người lao động. Như vậy, người lao động cần tiếp tục được đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường. “Đó là cách tốt nhất để chúng ta nâng cao chất lượng, kỹ năng, số lượng người lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế sau đại dịch”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu, một trong những lý do người lao động hồi hương trong đại dịch vì an sinh xã hội chưa được bảo đảm, bao gồm cả vấn đề nhà ở. Chính sách về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho người lao động nói riêng đã được đề cập rất nhiều, tuy nhiên, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để người lao động sớm được an cư và lập nghiệp.
Đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) nhận định, thị trường lao động Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 cơ bản phục hồi, thể hiện qua số lượng người lao động quay trở lại làm việc tăng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đã giảm, tác động của dịch COVID-19 đối với các nhóm xã hội, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế, khó khăn đã giảm.
Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự khó khăn trong việc thu hút lao động tay nghề cao. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lâm Văn Đoan cho biết, theo thống kê, tháng 6/2022, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (tức là từ sơ cấp trở lên) chỉ khoảng 26% lực lượng lao động. Có nghĩa là hơn 70% lao động chưa có bằng cấp, chứng chỉ mà mới chỉ qua đào tạo ngắn hạn, đào tạo chung. Đây là thách thức rất lớn khi Việt Nam bước vào nền kinh tế chuyển đổi số, hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên thực tế, những ngành có giá trị, hàm lượng cao, việc tìm kiếm lao động Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu rất khó khăn. Trong giai đoạn 2021 - 2026, Việt Nam cần tăng cường, đẩy mạnh đào tạo nghề, đẩy nhanh hơn tốc độ lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo để từ đó xây dựng lực lượng lao động trí tuệ, bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đại biểu cho rằng, mặc dù chỉ tiêu tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2022 có bước phát triển so với năm 2021, tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động còn thấp, chỉ khoảng 35%. Như vậy, một lực lượng lớn lao động chưa được bao phủ bởi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. “Khi về già, một lượng lớn lao động không có lương hưu. Đây là thách thức trong việc thực hiện thành công chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế”, đại biểu chỉ rõ.
Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt được nhiều thành công trong nhiều năm qua, hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; nhưng trong bối cảnh đặc thù năm 2021, 2022, chỉ tiêu này có sự sụt giảm. Cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91% dân số, nhưng đến tháng 7/2022, tỷ lệ này chỉ còn hơn 87%. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, tiếp tục mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, đồng thời có giải pháp quyết liệt, đánh giá phân tích tình hình để có lộ trình hỗ trợ các nhóm đối tượng nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không được hỗ trợ bảo hiểm y tế do quy định điều chỉnh lại xã, thôn đặc biệt khó khăn.