Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022:

Cần tiếp tục sửa đổi chính sách để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%

Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững là nội dung được thảo luận tại hội thảo chuyên đề diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt năm 2022 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng 18/9.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững". Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thị trường lao động sau đại dịch COVID-19 tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Theo các đại biểu, vấn đề đặt ra hiện này là làm thế nào để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, với 17 nhóm nhiệm vụ liên quan đến ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai chương trình. 

Tuy nhiên, các nhóm nhiệm vụ khác nhau có tiến độ khác nhau, một số nhóm triển khai được ngay song có nhóm cần khá nhiều thời gian để làm công tác chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một trong số đó là nhóm chính sách đầu tư công, liên quan gói 176.000 tỷ đồng mà nguyên nhân kéo dài triển khai, thực hiện do bối cảnh khách quan về tình hình dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết thêm, gói nhóm nhiệm vụ này chia làm 2 khía cạnh. Về vốn, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã tạo cơ chế hết sức linh hoạt.

Về dự án, đây là nhiệm vụ khá khó vì liên quan trình tự thủ tục. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã trình 94 dự án, vốn đạt hơn 140.000 tỷ đồng. Hơn 20.000 tỷ đồng đối với nhiệm vụ dự án còn lại, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục và triển khai ngay sau khi hoàn thiện.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục sửa đổi chính sách, thủ tục để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhận định, số liệu về giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện còn khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng do một số nhóm khó khăn. Theo đó, đối tượng hỗ trợ có trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu chỉ một trong số đó thuộc diện được hỗ trợ, khách hàng có được hưởng gói này không. Hay như tiêu chí đánh giá, thẩm định khách hàng có khả năng phục hồi giữ các ngân hàng cho vay cũng có sự khác biệt.

Về tâm lý, hiện có sự e ngại của ngân hàng thương mại do gói hỗ trợ lãi suất trước đây cũng có khó khăn nhất định về giải ngân và kiểm toán. Khách hàng cũng e ngại hoạt động thanh tra, kiểm toán sau này. Bên cạnh đó, dư nợ hỗ trợ 800.000 tỷ đồng nhưng thực tế đã triển khai 4.400 tỷ đồng nên có khoảng cách nhất định giữa khả năng được hỗ trợ cũng như thực tế, do phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng có muốn được hỗ trợ hay không.

Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh thông tin, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bởi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nghiệp vừa và nhỏ nên cách tiếp cận vốn duy nhất là vay vốn qua các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, tài sản đảm bảo giá trị thấp, số vốn vay được thấp nên hạn chế việc mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.

Để tháo gỡ các nhóm khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai tổ công tác liên ngành khảo sát thực tế địa phương để giải đáp thắc mắc; tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành để chỉnh sửa chính sách, thủ tục cần tháo gỡ khó khăn để khách hàng vay được vốn và gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, sau 3 tháng triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng.

Bên cạnh các phiên hội thảo chuyên đề, chiều cùng ngày, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt năm 2022 sẽ diễn ra phiên toàn thể với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" do lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh điều hành.

Diệp Anh (TTXVN)
Khai mạc diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022
Khai mạc diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Sáng 18/9, Diễn đàn kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 có chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN