Xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững - Bài 2: Sớm hoàn thiện cơ chế quản lý nguồn lao động

Trước yêu cầu của thực tiễn hiện nay, vấn đề làm thế nào để quản lý, theo dõi được nguồn nhân lực cũng như tổ chức được các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho người lao động là hết sức cần thiết. Từ đó đòi hỏi cần sớm có các giải pháp cụ thể để công tác quản lý nhà nước về lao động trước tác động của dịch bệnh, diễn biến phức tạp của thị trường trong nước và quốc tế hiện nay.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty TNHH Ampfield trong giờ làm việc. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Bộc lộ nhiều “lỗ hổng”

Trước tác động của tình hình kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, khu vực Đông Nam Bộ nói riêng bị “thiếu hụt” đơn hàng, từ đó phải bố trí, tổ chức lại nguồn lao động cho phù hợp, dẫn đến nhiều công nhân phải nghỉ luân phiên, cắt giảm giờ làm, thậm chí buộc phải nghỉ việc. Người lao động thiếu việc, ngưng việc, nghỉ việc không chỉ gây xáo trộn thị trường lao động, việc làm chung của cả khu vực mà còn làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, đào tạo, đào tạo lại và nhất là tình trạng rút bảo hiểm 1 lần sau thời gian thất nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, vùng Đông Nam Bộ có 10,487 triệu lao động, chiếm 20,31% cả nước. Đây cũng là vùng tập trung nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp - khu chế xuất nhất cả nước với khoảng hơn 353.000 doanh nghiệp (bằng 41,2% số doanh nghiệp của cả nước năn 2021) thu hút hơn 5,3 triệu lao động đang làm việc (bằng 36,6% số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp của cả nước).

Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cư của vùng là 19,39, cao nhất cả nước (cả nước chỉ số này là 8,71). Năm 2021, vùng Đông Nam Bộ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, có 59,1% số lao động của vùng bị ảnh hưởng tiêu cực, hơn 6% người lao động trong độ tuổi tích cực tìm kiếm việc làm nhưng không tìm được việc (tỷ lệ này trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát là 2,33%). Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế quản lý nguồn lao động; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Vùng; ưu tiên phục vụ các ngành mũi nhọn, có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển, nhất là các ngành nghề mới, kỹ năng tương lai...

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động và lực lượng lao động làm việc trong các thành phần kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó, số lao động ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ không nhỏ (khoảng 20% dân số).

Ghi nhận từ thực tiễn của đợt dịch COVID-19 cũng như tác động của thị trường quốc tế vừa qua, nhiều vấn đề về công tác quản lý nhà nước về lao động  trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được đặt ra. Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bất cập đó là cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Theo quy định, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tình hình biến động lao động gửi cơ quan chuyên môn về lao động, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tuân thủ quy định còn thấp (khoảng 10% các đơn vị thực hiện báo cáo), việc thiết lập cơ sở dữ liệu về lao động, doanh nghiệp là một nội dung còn hạn chế. Bên cạnh đó, Chính phủ có quy định về chia sẻ thông tin trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng chưa có sự thống nhất đồng bộ chia sẻ từ Trung ương xuống cấp cơ sở để tăng cường năng lực quản lý của chính quyền cơ sở.

“Việc thiếu cơ chế quản lý nguồn lao động càng bộc lộ sự hạn chế trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội từ Trung ương đến địa phương như chưa thể bao phủ đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng. Chính quyền cơ sở phải mất thời gian để thống kê, lập danh sách các đối tượng bị ảnh hưởng cần sự hỗ trợ khẩn cấp của nhà nước mà không có sẵn dữ liệu quản lý, đặc biệt là dữ liệu liên quan đến đối tượng lao động nhập cư, lao động trong khu vực phi chính thức”, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ.

Các cơ quan chức năng quản lý lao động và các địa phương cũng nhìn nhận thực tế rằng, các tỉnh có người dân đi làm ngoại tỉnh cũng không thể thống kê được số lượng lao động của địa phương mình nên gặp lúng túng khi lên kế hoạch đưa người dân về địa phương để phòng, tránh dịch. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư, quản lý lao động; có sự kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, định kỳ cập nhật thông tin biến động liên quan đến tình trạng cư trú, việc làm, các chính sách được nhà nước hỗ trợ.

Chú thích ảnh
Người lao động tham gia tư vấn về việc làm tại  Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Hồng Giang/TTXVN

Nâng cao công tác dự báo, thông tin thị trường lao động

Theo các chuyên gia lao động việc làm, trong thời gian qua, công tác dự báo vẫn còn hạn chế do hệ thống dữ liệu đầu vào không đầy đủ, kịp thời, việc phối hợp cung cấp thông tin giữa các ngành, địa phương còn rời rạc, các tiêu chí thu thập thông tin không thống nhất, không đồng bộ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam cho rằng, việc thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ. Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời khi có thay đổi, biến động về tình trạng lao động - việc làm trên hệ thống cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động để có sự điều tiết, cân đối thị trường lao động, hoạch định các chính sách phát triển lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương.

Cùng với đó, cần tăng cường cập nhật thông tin chung, thông tin chuyên ngành về các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch (công tác kiểm soát dịch, tiêm chủng, xét nghiệm…), chính sách an sinh xã hội, chính sách thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp để doanh nghiệp và người dân nắm bắt thông tin, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh có nhu cầu quay trở lại Thành phố đề làm việc có sự chuẩn bị.

Về công tác dự báo, thông tin thị trường lao động, theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, phải đánh giá đầy đủ tình hình thị trường lao động không chỉ trong phạm vi địa phương mà mang tính liên kết vùng để hỗ trợ trong công tác điều tiết nguồn lực lao động phù hợp với từng thời điểm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi đã kiểm soát tình hình dịch bệnh, thông tin thị trường lao động cần phải được công bố đầy đủ để làm cơ sở kết nối cung - cầu lao động, nhất là nguồn cung lao động đã quay về địa phương để tránh dịch, cung cấp kịp thời nguồn lao động thiếu hụt khi doanh nghiệp hoạt động tối đa công suất.

Để tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng, cho người lao động nói chung của vùng Đông Nam Bộ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động vùng; đầu tư, nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng kết nối liên vùng, đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho phát triển kinh tế. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số. Đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống của công nhân lao động.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong bối cảnh công nghệ mới và nền tảng công nghệ số, hệ thống thông tin thị trường lao động và các Trung tâm dịch vụ việc làm ngày càng có vai trò lớn trong việc kết nối thị trường lao động. Hệ thống thông tin thị trường lao động hiện tại đang bị chia cắt, hạ tầng cơ sở thu thập, phân tích, cung cấp thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và quản lý lao động.

Do vậy, cần phải hoàn thiện hệ thống thông tin và kết nối thông tin dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; hệ thống thông tin thị trường lao động cần phải cung cấp các thông tin về nhu cầu thị trường lao động đối với các vị trí việc làm, kỹ năng và các tiêu chuẩn; hỗ trợ người tìm việc có cơ hội tìm việc làm và đáp ứng yêu cầu việc làm trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tăng cường kết nối việc làm và giới thiệu việc làm trực tuyến; đổi mới việc thu thập thông tin thị trường lao động, thông qua sử dụng khảo sát trực tuyến, cập nhập trực tuyển.. để cung cấp thông tin thị trường lao động.

Từ thực tiễn sinh động ở đô thị đông công nhân công nhất, nhì cả nước, các chuyên gia lao động việc làm cho rằng, cần phải tạo lập cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, đó là xây dựng các ứng dụng thu thập thông tin cung - cầu lao động có kết nối với cơ sở dữ liệu chung của quốc gia như cơ sở dữ liệu dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký thành lập doanh nghiệp và dữ liệu thuế để nắm bắt tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng tham gia hoạt động kinh tế của người lao động. Đặc biệt, Ủy ban nhân Thành phố cần quan tâm thiết lập dữ liệu người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức để từ đó có các chính sách ứng phó kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Cần có sự thống nhất đầu mối từ cấp Trung ương trong hệ thống hóa, đồng bộ về số liệu, thay đổi phương pháp thực hiện trong thống kê, quản lý dân cư, đặc biệt là lao động nhập cư tạm trú.

Ở góc độ liên kết vùng, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần tiếp tục quản lý hiệu quả nguồn lao động, cập nhật tình trạng thất nghiệp, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc, nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước về cung - cầu lao động, xây dựng kho dữ liệu thị trường lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từng địa phương, tăng cường kết nối cập nhật các dữ liệu như cung-cầu lao động, biến động lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị về lao động

Anh Tuấn - Thanh Vũ (TTXVN)
Xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị về lao động
Xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị về lao động

Để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, việc hoàn thiện chính sách, cơ chế, quản lý nhà nước về lao động là rất quan trọng, nhất là xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững, ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN